Danh mục Thứ Hai, 20/05/2024

Chuyên đề \

Hà MyO: “Tôi không bén duyên với Xẩm, tôi bị ép duyên với Xẩm!”

15:23 09-04-2024
Từ sự nhầm lẫn đầy bất ngờ của Ban tổ chức khi sắp xếp nhầm cô ca sĩ dòng nhạc trẻ vào hạng mục dân gian, Hà MyO thổi làn gió mới vào nghệ thuật âm nhạc truyền thống, đưa Xẩm vươn tầm quốc tế chỉ trong 6 ngày.

Sự “ép” duyên đặc biệt giữa Xẩm và Hà MyO

Nghệ sĩ Hà Myo nổi bật với phong cách trình diễn trẻ trung cùng các sản phẩm âm nhạc mới kết hợp giữa nhạc trẻ và âm hưởng dân gian. (Ảnh: NVCC)

Trong khoảng thời gian đầu sự nghiệp, Hà MyO đã từng thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau bao gồm cả nhạc trẻ lẫn các thể loại nhạc dân gian đương đại, chỉ khi bén duyên với Xẩm Hà Nội thì sự nghiệp dần phất “như diều gặp gió”. Vậy cơ duyên nào khiến Hà theo đuổi Xẩm và đạt được những thành công như ngày hôm nay?

Hà MyO: Trước đây, khoảng tầm 10 năm, tôi cũng từng là ca sĩ nhạc trẻ. Đến tận năm 2020, khi tham gia chương trình Giọng hát hay Hà Nội, vô tình sau vòng Bán Kết, tôi “dở khóc dở cười” khi được BTC xếp nhầm vào danh sách thí sinh dòng nhạc dân gian. Đâm lao thì phải theo lao, khi biết không thể thay đổi danh sách dự thi, và chỉ có 6 ngày để chuẩn bị, tôi cũng đã sẵn tinh thần để “chiến đấu” đến cùng.

Tôi dành toàn bộ quỹ thời gian của mình để tìm hiểu các thể loại dân ca như Chầu Văn, Chèo, Ca Trù.... Lúc đấy tôi không quan trọng về giải nữa, mà chỉ nghĩ làm sao có một tiết mục dự thi thật đặc sắc, ấn tượng với Ban giám khảo.Và khi nghe đến Xẩm thì tôi bất giác ngân nga theo. Đó là lúc tôi chợt phát hiện những giai điệu rất “đời” của Xẩm thực sự là điều tôi tìm kiếm trong hành trình âm nhạc của mình. 

Nhiều người cũng hỏi tôi cơ duyên nào, bén duyên ra sao, nhưng tôi thấy mình bị ép duyên thì đúng hơn. Đặt đâu ngồi đó chứ tôi cũng không biết trước rằng mình sẽ thành công như ngày hôm nay.

Chấp nhận nhận thử thách để thử mình

Nghệ sĩ Hà Myo liên tục nhận các giải thưởng lớn sau thành công của tác phẩm âm nhạc “Xẩm Hà Nội” (Ảnh: NVCC) 

Xẩm là dòng nhạc có kỹ thuật khó, nếu không phải là người có niềm yêu thích mãnh liệt, được tôi luyện và trưởng thành trong cái nôi dân ca thì rất khó để thể hiện trọn vẹn “hồn cốt Xẩm”. Vì sao Hà MyO có thể làm được điều đó chỉ trong 6 ngày?

Hà MyO: Ban đầu tôi cũng rất lo lắng và cũng e ngại là mình có làm được hay không vì thời gian quá gấp để cảm được “hồn Xẩm” cũng như là nhập vai vào môn nghệ thuật này. Sau đấy tôi may mắn được giới thiệu đến anh Nguyễn Quang Long - là một nghệ sĩ hát Xẩm giàu kinh nghiệm, chuyên gia nghiên cứu phê bình âm nhạc. Anh đã giúp cho tôi hiểu về Xẩm, dạy tôi và sáng tác tác phẩm “Xẩm Hà Nội” mà tôi thi đêm Chung Kết.  

Hầu như ngày nào hai anh em cũng tập luyện ở quán trà đá từ sớm đến tối. Không gian luyện tập có phần khác lạ nhưng lại tạo cho tôi cảm giác gần với Xẩm hơn, dễ dàng bắt nhịp và nhập vai vào nhân vật, nắm được tinh thần của Xẩm. 

Đặc biệt là trong khúc Xẩm Chợ Đồng Xuân, tôi phải vào vai một cô “tám” nhiều chuyện ở chợ. Nếu chỉ ở trong phòng thu, chắc chắn tôi không thể hiểu được đó là nhân vật như thế nào. Mà nếu không hiểu, không thể hiện được, phần trình diễn sẽ khô cứng, gượng gạo và đó là điều tôi không muốn thấy trong sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, chỉ có 6 ngày nên tôi khó che dấu được sự “non nớt” của bản thân trong dòng nhạc dân gian. Vì vậy, thay vì tập trung vào mỗi Xẩm, ngồi một chỗ hát cùng với các nghệ nhân đàn nhị, tôi đưa dòng nhạc EDM là thế mạnh của bản thân vào tiết mục, kết hợp cùng vũ đoàn, hiệu ứng sân khấu sôi động giúp phần dự thi trở nên trọn vẹn. 

May mắn tác phẩm “Xẩm Hà Nội" nhận được sự ủng hộ của Ban giám khảo cũng như khán giả trong đêm Chung kết năm đó, giành được giải thưởng “Bài hát Hà Nội hay nhất”. Từ đấy, tôi đã yêu và theo đuổi các dòng nhạc dân gian đến bây giờ.

Làm mới “truyền thống” rất khó được đón nhận

Không chỉ thuyết phục được giới trẻ, các sản phẩm âm nhạc kết hợp của Nghệ sĩ Hà Myo còn được lãnh đạo cấp cao Việt Nam ủng hộ. (Ảnh: NVCC) 

Thời gian đầu ra mắt sản phẩm, hàng loạt các báo đài và các trang mạng đưa tin về vấn đề cô ca sĩ trẻ “phá vỡ nét đẹp văn hóa âm nhạc dân gian”. Lúc đó, cảm xúc của Hà như thế nào?

Hà MyO: Khi ra mắt “Xẩm Hà Nội”, tôi những gặp khó khăn nhất định trong việc thay đổi một loại hình nghệ thuật đã rất quen thuộc với nhiều người. Có rất nhiều ý kiến trái chiều rằng nếu thay đổi như thế thì có giữ được “hồn cốt” của âm nhạc dân gian hay không. Tôi trằn trọc nhiều đêm liền. Cũng nản chí, cũng nhiều suy nghĩ… đến mức toàn bộ thời gian sau chương trình, tôi chỉ dành để đọc các bình luận trên mạng xã hội. Tôi cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi: Liệu chăng, lại một lần nữa mình lựa chọn sai?

Có vẻ như Hà đã từng có ý định bỏ cuộc, tuy nhiên, đến hiện tại, tôi thấy Hà không những không dừng lại mà còn liên tục ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới kết hợp nhạc trẻ và dân ca như dân ca Mường với ca khúc Đập Nàng Khọt và dân ca Nam Bộ, dân ca Nam Trung Bộ. Gần đây nhất là hát Xoan với bài “Trò chơi í a trời cho”. Điều gì đã thay đổi suy nghĩ của Hà? 

Hà MyO: Tôi đã học thêm về âm nhạc dân gian trong khoảng thời gian đó. Tôi cảm thấy tiếc, vì sao bao nhiêu năm làm nghệ thuật, bản thân là một người nghệ sĩ nhưng lại thờ ơ với âm nhạc truyền thống. Tôi tự nhận thấy mình bị cuốn theo những giai điệu xu hướng, thành ra có những lúc nghe giai điệu dân gian thấy nó ỉ ôi rất là mệt mỏi, mình không tập trung nghe, không tập trung hiểu mà tự động quy chụp ngay là không phù hợp. 

Đến khi dành thời gian nghiêm túc ngẫm từng câu từng chữ của lời hát dân ca, mình mới hiểu nó thâm thúy và ý nghĩa đến nhường nào. Nôm na chính là dân ca vẽ lại lịch sử.

Từ thứ âm nhạc tưởng chừng như đã bị lãng quên, đến làn sóng gây tranh cãi, và hàng loạt những fan hâm mộ mới yêu thích sự thay đổi của tôi, ủng hộ tác phẩm của tôi. Lúc đấy tôi suy nghĩ sâu hơn, tôi nhìn thấy nhiều giá trị tích cực trong những sản phẩm âm nhạc của mình. Và tôi tự đặt ra cho mình mục tiêu mới: giúp cho thế hệ trẻ biết và yêu thêm nghệ thuật dân gian Việt Nam. Có lẽ, không phải các bạn không yêu đâu, mà là chưa biết để yêu.

Thuận theo xu thế thị trường và quá trình hội nhập văn hóa, âm nhạc dân gian dường như rất khó cạnh tranh, đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, sẵn sàng chấp nhận và đương đầu với mọi ý kiến tiêu cực để mang đến những sản phẩm âm nhạc dân gian mới là bài toán khó đối với nhiều nghệ sĩ.

Tuy nhiên, ta khó thể chối bỏ được rằng, việc khơi dậy niềm yêu thích các giai điệu âm nhạc truyền thống ở giới trẻ sẽ cần đến sự đổi mới, sự hòa hợp đầy tính sáng tạo như cách nghệ sĩ Hà MyO đã và đang theo đuổi.

Ngọc Thùy Linh - MDT K41

Phản hồi