Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

Góc nhìn chuyên gia \

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Cứ đi, cứ viết và cống hiến hết mình cho nghề”

21:49 31-10-2023
Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) là nhà báo nổi tiếng từng có nhiều năm công tác tại Báo Lao Động, ông chuyên về thể loại phóng sự dấn thân. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn còn đó nhiều trăn trở với lứa đàn em, làm thế nào để "truyền lửa" nghề, truyền đam mê cho các thế hệ trẻ.

Nhân dịp nhà báo Huỳnh Dũng Nhân quay trở lại Hà Nội, phóng viên có dịp gặp gỡ và trao đổi với nhà báo về những câu chuyện nghề để từ đó truyền lửa cho các bạn trẻ.

 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Nghề báo giúp tôi đóng góp cho xã hội

PV: Ngày trước Nhà báo đã từng có ước mơ trở thành hoạ sĩ, vậy thì không biết khoảnh khắc nào đã khiến nhà báo “bỏ cọ cầm bút” quay trở lại với truyền thống làm báo của gia đình?

Thuở nhỏ tôi có 3 ước mơ: đá bóng, lái xe, hoạ sĩ. Ước mơ cầu thủ bóng đá tan tành vì vóc dáng không đủ tiêu chuẩn. Còn thành anh lái xe thì cậu không đủ sức cầm vô lăng và chuyên gia … thắng nhầm phanh! Hai ước mơ bị dẹp. Chỉ còn lại cái duy nhất là họa sĩ có vẻ xán lạn hơn cả. Vậy là tôi khăn gói đi thi vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Học nửa chừng, nhận thấy những sắc màu không xán lạn với mình như háo hức ban đầu và bản thân không có đủ năng khiếu nên tôi chuyển sang học văn và báo chí như truyền thống gia đình. Chỉ có cây bút mới giúp tôi đóng góp được cho xã hội và khẳng định được bản thân.

PV: Sống trong một gia đình với truyền thống làm báo, điều này có áp lực và khó khăn gì với nhà báo trong quá trình làm nghề không?

Ngày trước, tôi sống trong khu tập thể báo Nhân dân nên có thể gọi là “ra ngõ gặp nhà báo” và đặc biệt là sống trong một gia đình mà có 9 người làm báo nên chắc hẳn khi các bạn nhìn vào sẽ nghĩ là áp lực lớn. Nhưng áp lực lớn nhất của tôi chính là tinh thần, phải giữ được cốt cách truyền thống của gia đình và vẻ đẹp của văn hoá báo chí để không bị mai một theo thời gian. 

Năm 1990, tôi về Báo Lao động và bắt đầu viết phóng sự thì luôn có những khó khăn nhất định. Thời ấy, chưa có bất kỳ ai viết phóng sự dấn thân, thường sẽ viết phóng sự theo hướng tuyên truyền. Hơn nữa, khoảng thời gian đó còn nhiều khó khăn, không có sách vở, chỉ có nội lực phấn đấu là chính. Tôi đi, tôi tự tìm hiểu và tự viết, định cho mình một cách viết riêng biệt. Phóng sự đầu tiên “2 giờ dưới lòng đất” của tôi đã gây tiếng vang, chui xuống hầm lò dưới lòng đất, dưới mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh). Thật ra thì không có khó khăn gì khi yêu nghề cả.

PV: Để trở thành một cây bút chuyên viết phóng sự, đâu là bí kíp của riêng nhà báo ? 

Theo tôi, một phóng sự hay là phải có chất văn. Tôi mạnh ở chỗ khai thác chi tiết. Một chi tiết tầm phơ tầm phào, gió thoảng ngang tai, nhưng tôi chú ý, nhặt nhạnh. Tôi biết chi tiết nào cần, chi tiết nào không dùng được, hoặc dùng được, rồi chắt lọc tư liệu. Có cái nhiều người bỏ qua, nhưng tôi không bỏ qua. Chi tiết trong phóng sự của tôi nó không đến từ cuộc họp, không đến từ văn bản, mà nó đến từ những cuộc giao du, ăn chơi, nhảy múa, nhậu nhẹt, đi công tác, đi thực tiễn… 

Cho nên, ngôn ngữ của nhân vật trong phóng sự của tôi nó đời, thấm đẫm chuyện thường ngày. Đó là nhờ tôi giao du nhiều. Học được ở nhiều người.

 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn muốn gặp gỡ và chia sẻ với sinh viên.

Là nhà báo hãy cứ viết đi

PV: Nhà báo có chia sẻ việc ngày nay các tòa soạn ít tạo điều kiện cho các phóng viên chuyên mảng phóng sự. Vậy theo nhà báo công tác tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng những cây viết phóng sự ở các tòa soạn hiện nay có không?

Theo tôi là có. Thực tế, nhiều tòa soạn vẫn đi săn những cây bút giỏi về tòa soạn. Bằng chứng là mỗi tờ báo mới thành lập hay đổi mới nhân sự đều gọi những “chân sút” giỏi về đầu quân. Trên lĩnh vực báo chí, các nhà quản lý vẫn quan tâm đến việc "săn đầu người" lắm.

Nhưng còn đào tạo thì ai đào tạo bây giờ? Cây bút phóng sự muốn đào tạo thì nên quan tâm ngay từ trong trường đại học. Theo tôi, các em sinh viên đầy tố chất để trở thành những cây bút phóng sự. Vì bản thân tôi tham gia giảng dạy bộ môn phóng sự hơn chục năm, qua những bài tập hay những đợt thực tế tôi biết một lớp 50 em thì phải 10 em viết được phóng sự “ngon lành.”

Những người đạt, ngoài việc cần được truyền "lửa nghề", lửa đam mê phóng sự và truyền tay nghề thì cũng cần hướng cho họ đất dụng võ. Đào tạo phải kết nối với khâu bồi dưỡng như câu hỏi của bạn. Ở đây bồi dưỡng là nhiệm vụ của các tòa báo. Tôi tìm được một cây bút có hơi hướng phóng sự là tôi cho đi với các cây bút gạo cội, tung họ vào điểm nóng. Ít nhất tôi tôn trọng phong cách của họ thì họ sẽ tự tin và viết tốt. Việc này cũng khó trách ai được mà phải tùy từng tờ báo và tùy từng người viết.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chụp ảnh giao lưu với các sinh viên. 

PV: Nếu để chia sẻ một điều tâm huyết từ mấy chục năm trải nghiệm và lăn lộn trong nghề với các nhà báo trẻ, nhà báo có thể nói gì?

Đừng bỏ phí thời gian trong lúc mình vẫn sung sức, còn có thể đi nhiều, viết khỏe. Viết đi, hãy viết cho chính mình, viết cho những cái hay, cái tốt trong xã hội!

Tôi nhớ một câu nói rất hay của ai đó, là họa sỹ thì hãy vẽ đi. Còn tôi, tôi muốn nói với những cây bút, phóng viên trẻ, là nhà báo thì hãy viết đi!

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà báo!
 

Lý Xuân Mai

Phản hồi