Danh mục Thứ Hai, 20/05/2024
ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0
AI là một công cụ nhiều tiềm năng, với khả năng hiện thực hóa mạnh mẽ nhu cầu của con người. Nhà báo, nhà truyền thông, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển ThS. Trần Lệ Thùy đã chia sẻ nhiều góc nhìn về vấn đề. Bài viết nằm trong Megastory “Ứng dụng AI phổ biến - Cơ hội hay thách thức cho lao động trẻ?”
ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: Bà đã sử dụng những ứng dụng AI nào?
ThS. Trần Lệ Thùy: Tôi đã sử dụng khá nhiều ứng dụng AI. Hiện tôi đang sử dụng Chat GPT 4.0, dùng Mid Journey AI để làm hình ảnh, một số ứng dụng AI tạo hình ảnh và làm phim. Những ứng dụng AI đang phổ biến nhất hiện nay, tôi đều đã thử trải nghiệm. 
PV: Bà đánh giá như nào về hiệu quả khi sử dụng các ứng dụng AI trong công việc? 
ThS. Trần Lệ Thùy: Tuyệt vời. Trong 1 năm trở lại đây, AI đã thay đổi công việc của tôi rất nhiều. AI hỗ trợ nhiều, nó giúp tôi tăng được khối lượng và hiệu quả công việc lên rất nhiều. Tôi làm được những cái mà trước đây muốn làm nhưng không đủ khả năng về thời gian. Tiết kiệm thời gian nhưng có hiệu quả. Ví dụ, khi làm tư vấn truyền thông, tôi có dùng AI để vẽ và sử dụng các sản phẩm đấy thay thế luôn phần công việc của Graphic Designer mà không cần thuê Graphic Designer. Trước đó, tôi chưa được học bài bản về Graphic Designer nên tôi chỉ có ý tưởng. Khi ấy, quy trình từ ý tưởng đến thực thi, thể hiện ý tưởng với designer tốn rất nhiều thời gian và thường khó được như ý do người lên ý tưởng và người thực hiện có nhiều cái khác nhau. Bây giờ, tôi có thể dùng AI thực hiện luôn. Nó đã ra rất nhiều kết quả tốt, thậm chí là ra sản phẩm ưng ý tôi luôn.

ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0
PV: Như vậy, AI sẽ giúp người lao động hiện thực hóa mong muốn của họ qua việc mở rộng khả năng lao động của họ chỉ từ những câu lệnh đơn giản?
ThS. Trần Lệ Thùy: Đúng vậy, AI như “cánh tay nối dài”. Công cụ là cánh tay nối dài khả năng của con người. Và AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ. AI nâng cao năng lực của con người gấp nhiều lần. Như tôi, tôi rất thích làm designer và cũng có nhiều ý tưởng về hình ảnh. Nhưng trước đây, để học được những công cụ thiết kế rất khó, mất rất nhiều thời gian. Nhưng bây giờ gần như AI giúp mình đi tắt luôn, không cần qua bước học kỹ thuật nữa mà chỉ cần hiện thực hóa ý tưởng luôn.
ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: Bà đã có trải nghiệm thú vị nào khi sử dụng AI để thiết kế?
ThS. Trần Lệ Thùy: Gần đây, tôi có tham gia một dự án truyền thông về xử lý nước thải, chúng tôi cần thiết kế một sản phẩm túi anh hùng bảo vệ nguồn nước hướng đến đối tượng học sinh. Thực ra người xử lý nước thải ở Việt Nam là người anh hùng bảo vệ nguồn nước. Nước là một trong ba thứ quan trọng nhất của con người đúng không? Nên tôi đã hình dung về họ như những người anh hùng. 
Nhưng đây là sản phẩm dành cho học sinh THPT. Nên tôi phải trực quan hóa để làm sao các bạn ấy thích đeo. Thực ra, ban đầu, dự án đã thuê một công ty Graphic Design nhưng họ thiết kế chưa tạo được hiệu ứng tích cực với các bạn trẻ như chúng tôi mong muốn, trong khi họ rất mất công, tốn nhiều thời gian. Chỉ với một tiếng đồng hồ, tôi thử và ra được hình ảnh như tôi mong muốn. Kết quả cũng rất tốt, các bạn học sinh phổ thông rất thích mẫu túi này, nhìn rất dễ thương. 
PV: Trong một tiếng đó, bà đã tạo ra thiết kế túi như thế nào? 
ThS. Trần Lệ Thùy: Chỉ với prompt thôi. Tôi chỉ dùng prompt để ra lệnh vẽ chiếc túi này. Học sinh THPT thích gì? Phong cách dễ thương kiểu anime Nhật Bản, vậy tôi sẽ chọn dạng thiết kế như thế này. Sau đó, tôi đã lên câu lệnh cụ thể như mặc áo giáp lá, tay cầm con rùa, và vẽ lên thì bất ngờ, sản phẩm này rất được yêu thích. 
PV: Vậy bà đánh giá AI có hiệu quả như thế nào về mặt nội dung, ý tưởng?
ThS. Trần Lệ Thùy: AI là một công cụ lên outline rất tốt, giúp chúng ta đưa được ý tưởng một cách trọn vẹn. Mình tự viết, đôi khi sẽ bị thiếu cái này thiếu cái kia. Còn Chat GPT, vì đã quét một loạt dữ liệu rồi nên chẳng hạn, khi mà mình nói tôi muốn viết về bạo lực giới, nó sẽ đưa hết các cái vấn đề bạo lực giới ra, mình sẽ không bị thiếu mất điều gì trong bức tranh toàn cảnh.

ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0
PV: Chat GPT là một kho dữ liệu mở, vậy liệu việc Chat GPT tạo ra các sản phẩm trên cơ sở dữ liệu mình thu thập được có thể gây ra những rủi ro về bảo mật không?
ThS. Trần Lệ Thùy: Thật ra, mọi người thường dùng Chat GPT để lên outline chung. Trong trường hợp đấy, Chat GPT được sử dụng như một phiên bản nâng cấp của Google nhưng tiết kiệm thời gian hơn vì nó giúp ta lọc dữ liệu luôn. Ra một cái lệnh Cho Chat GPT là “Cho tôi một tóm tắt toàn bộ các vấn đề đang được thảo luận” thì mình sẽ có đúng cái mình cần.
ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: Vậy làm sao để chúng ta tận dụng được tối ưu tính năng này, thay vì chỉ ra được những câu lệnh nhất định rồi có được những đáp án chung chung?
ThS. Trần Lệ Thùy: Đó là sự thú vị của bộ não con người. Chúng ta vẫn phải cố gắng tìm ra những câu lệnh có thể xoáy được vào những cái thông tin mà mình cần. Tuy nhiên, cũng cần nhớ, những thông tin mà AI tổng hợp được bao giờ cũng chỉ là khởi đầu, nếu muốn viết hay tìm hiểu chuyên sâu thì vẫn phụ thuộc vào con người thôi. Cho đến nay thì AI vẫn có những giới hạn nhất định, chẳng hạn nếu không kiểm tra lại thông tin, bạn có thể không biết Chat GPT đang bịa nguồn. Hay như thiết kế, Chat GPT chưa thể tạo ra một phong cách vẽ mới được, nó vẫn phải phỏng theo phong cách của các họa sĩ trước đây. 

ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: Bà đánh giá như thế nào về vấn đề bản quyền của các ứng dụng AI?
ThS. Trần Lệ Thùy: Sẽ rất khó để đánh giá hay dự đoán về vấn đề này. Là một người dùng, tôi thấy có một điều đáng lưu tâm là chưa có credit. Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh khá thú vị, cùng một prompt, cùng một người test nhưng những sản phẩm được tạo ra qua Chat GPT sẽ không lặp lại. Bạn dùng một câu lệnh ấy thôi nhưng bản trước và bản sau đã có nhiều điểm khác nhau rồi.
PV: Bà đã sử dụng các ứng dụng AI như thế nào khi muốn bảo mật dữ liệu của mình?
ThS. Trần Lệ Thùy: Thường khi sử dụng ứng dụng AI, tôi không muốn AI copy cái gì thì tôi sẽ có một lệnh đi kèm là “không được phép sử dụng”. Tôi có ghi vào là không được phép sử dụng dữ liệu này cho bất cứ bên thứ ba nào khác nơi này chỉ của tôi thôi. Nhưng thật ra cũng chưa biết được nó sẽ bảo mật đến mức nào, tôi đang nghiên cứu thêm về vấn đề này.

ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: AI hiện nay đang làm được những công việc đơn giản, song, cũng là những công việc là lao động trẻ cần làm quen trước khi chịu trách nhiệm cho những công việc phức tạp hơn ấy ạ. Theo bà, việc AI phát triển và được ứng dụng phổ biến có hạn chế sự phát triển của người trẻ - nguồn nhân lực kế thừa?
ThS. Trần Lệ Thùy: Đây là một câu hỏi lớn. Các doanh nghiệp muốn tuyển người làm được việc luôn. Nhưng nhiều sinh viên mới ra trường kỹ năng làm việc lại chưa ổn, thường lại phải đào tạo nhiều. Ra trường lại mất khoảng 1-2 năm, bạn nào chăm chỉ cũng phải học những cái cơ bản sau đó mới vọt lên được. Nhưng bây giờ AI gần như đã làm được những việc người trẻ sẽ làm trong 1-2 năm ấy. Vì thế, cách dạy của trường đại học đang thay đổi. Giảng viên của các trường chuyển sang coaching (huấn luyện), cho sinh viên làm thực tế, để giúp họ làm quen các phần việc cơ bản đấy từ khi còn trên giảng đường. Ra trường, sinh viên phải tương đương như người đã có kinh nghiệm ít nhất là một năm.

ThS Trần Lệ Thùy: “AI là sự nối dài khả năng về trí tuệ” -0

PV: Trước thực tế như trên, theo bà, các bạn sinh viên nên chuẩn bị những gì để không bị ngợp với những thay đổi mới?
ThS. Trần Lệ Thùy: Các bạn sinh viên cần chủ động học. Tự học rất quan trọng. Các giáo trình của trường đại học không thể cập nhật kịp các xu hướng của thời đại được. Và hãy tìm ra thế mạnh của mình. Muốn tìm được thì phải đặt chất lượng những sản phẩm mình làm ra lên cao nhất. Mình cứ du di, ậm ờ thì không bao giờ biết được giới hạn của mình nằm ở đâu. Đã nhận thì phải làm hoàn thiện hẳn sản phẩm, không ỷ lại vào người khác. Lấy ví dụ về lĩnh vực báo chí, 2 bạn sinh viên mới ra trường, làm cùng một cơ quan. Nhưng có bạn sẵn sàng bỏ ra một tháng để viết một bài thật hay còn một bạn thì viết 10 bài nhưng 10 bài đấy rất là nhạt. Sau một thời gian như thế, bạn bỏ ra một tháng để viết bài có thể vọt lên rất nhanh vì bạn không ngừng đột phá những giới hạn của bản thân mình, và xây dựng vững nền tảng ngay lúc bắt đầu. Bây giờ AI có thể viết nhiều tin cùng một lúc nên điều quan trọng là các em phải xây dựng được chất riêng và chiều sâu cho sản phẩm của mình. 
Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn!