Danh mục Thứ Hai, 20/05/2024

Tiêu điểm \

Bàn tay tài hoa của người đàn ông với niềm đam mê thêu ren

18:53 07-05-2024
Từ xưa tới nay, người ta hay cho rằng thêu thùa là việc chỉ dành cho phụ nữ bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Thế nhưng, tại làng Văn Lâm, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, người giỏi thêu thùa nhất, tỉ mỉ nhất trong từng đường kim mũi chỉ lại là một người đàn ông.

Nối tiếp truyền thống của cha ông 

Dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, đi sâu vào một con ngõ nhỏ ngay cạnh quần thể Tam Cốc Bích Động, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi tìm được ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Vũ Thanh Luân - người mà nhân dân nơi đây ca tụng rằng là nghệ nhân thêu đẹp nhất, lâu năm nhất làng Văn Lâm.

 Nghệ nhân Vũ Thanh Luân, Chủ tịch BCH Làng thêu Văn Lâm, Xã Ninh Hải, Huyện Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh: Thu Duyên)

Đang bận bịu chăm hai đứa cháu nhỏ, ông vẫn niềm nở ngồi xuống tự hào kể về truyền thống thêu ren của làng và của cả gia đình mình: “Làng thêu ren Văn Lâm có từ thời vua Trần, được bà Trần Thị Dung dạy cho dân làng biết chăn tằm, dệt vải. Khi đó, thêu của làng vẫn là những kỹ thuật thêu truyền thống”. Nhưng kể từ năm 1910, hai anh em họ Đinh trong làng đã lên Hà Nội học kỹ thuật thêu ren của Pháp rồi về dạy cho dân làng biết thêu những chiếc khăn trải bàn. Từ đó, kỹ thuật thêu của làng Văn Lâm được kết hợp thêu truyền thống và thêu ren của Pháp.

 Sản phẩm thêu ren làng Văn Lâm. (Ảnh: Thu Duyên)

Trong đó, truyền thống thêu ren của gia đình ông Luân đã bắt đầu kể từ thuở sơ khai của nghề thêu, khi tổ tiên của ông còn đang áp dụng những kỹ thuật thêu truyền thống. Cho đến thời ông Luân, nghề thêu đã được áp dụng những kỹ thuật thêu ren của Pháp. 

Lớn lên trong thời kỳ khó khăn, ông Luân chỉ học đến hết lớp 4, sau đó ở nhà nối tiếp truyền thống làm thêu cùng gia đình cho đến khi ông đi bộ đội. Kết thúc nhiệm vụ năm 1979, ông lại trở về và tiếp tục niềm đam mê thêu ren của mình cho đến tận bây giờ. 

Khi được hỏi vui rằng:”Sao ông lại thích cái nghề thường chỉ dành cho phụ nữ nữ đến vậy?” Ông Luân thẳng thắn chia sẻ rằng: “Tại làng Văn Lâm, nam nữ già trẻ đều biết thêu cả, nhưng những người đàn ông thường thêu đẹp hơn người phụ nữ”. Ông kể rằng ngày xưa ông đã từng cùng anh em vác khung thêu ra gốc nhãn giữa trưa nắng để cùng nhau thi thêu thùa. Lúc thì thêu một cái râu rồng, lúc thì thêu một bông hoa. Ai thêu nhanh nhất, đẹp nhất, bóng chỉ nhất thì người đó dành chiến thắng. Mặc dù không phải là cuộc thi lớn có tổ chức hay được giải thưởng vinh danh, nhưng nó đã chọn ra được những người thêu tinh hoa nhất, đồng thời cũng là sân chơi cho những người đàn ông có thể thỏa đam mê và phát huy tài năng của mình. 

Cũng chính bởi niềm đam mê to lớn ấy mà ông Luân luôn trân trọng những giá trị mà tổ tiên xưa đã để lại cho nghề thêu, đồng thời luôn nỗ lực sáng tạo để đưa nghề thêu ngày càng phát triển hơn.

 Những bản vẽ thêu ngày xưa của tổ tiên để lại được ông Luân nâng niu, cất giữ cẩn thận. (Ảnh: Thu Duyên)

Đam mê sáng tạo không ngừng

Nhắc đến hai từ “đam mê”, mọi người thường nói rằng “Một ngọn lửa đam mê là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và sự sáng tạo chính là lửa đam mê biến ước mơ thành hiện thực”. Với ông Luân, ngọn lửa đam mê chính là nguồn cảm hứng giúp ông có những sáng kiến để giải quyết những khó khăn, trắc trở khi làm nghề. Điều đó được minh chứng vào những năm 1964, 1968, khi ông Luân còn bé và đã có nhận thức về nghề thêu. Gia đình ông có lô hàng là sản phẩm ga trải giường nhưng không may bị nhựa chuối dính vào, làm bẩn một mảng. thời đó chưa có thuốc tẩy cho nên không thể tẩy được đi. Vì vậy, ông Luân đã linh hoạt, cắt từng sợi vải thừa và đan, thêu từng sợi thay vào. Cuối cùng, toàn bộ vết nhựa chuối được xóa đi bằng phương pháp đan, thêu kết hợp mà không cần phải cắt bỏ hay sử dụng bất kỳ chất tẩy rửa nào. “Thế là cứu được bộ hàng mà lúc đấy có giá trị bằng mấy chục thùng thóc” - Ông Luân tự hào. 

Không chỉ giúp ông giải quyết được những khó khăn, niềm đam mê còn giúp ông Luân có những sáng kiến để thực hiện được ước mơ của mình. Ông tâm sự: “Khi bắt đầu làm nghề, ông đã từng ước mơ là làm thế nào để một người làm có thể bằng hai mươi người làm” và niềm đam mê trong ông đã giúp ông không ngừng mày mò và phát minh ra chiếc bút vẽ mẫu bằng cách gắn một mô tơ điện nhỏ vào chiếc bút bi. Khi vẽ, chiếc bút bi có thể chấm lỗ rất nhanh và đều đặn, với độ sâu đồng đều, tạo ra những nét vẽ mượt mà, gọn gàng. Công nghệ của ông đã được ứng dụng rộng rãi ở làng nghề, tạo điều kiện cho thợ vẽ mẫu chạm được những hình vẽ đẹp với công suất cao hơn, đẹp hơn vẽ tay nhiều lần.

 

 Máy vẽ mẫu do ông Luân phát minh. (Ảnh: Thu Duyên)

Không chỉ vậy, ông còn mày mò, trải nghiệm bao vất vả, tạo ra được loại vải mới để thể hiện những mẫu thêu của mình: “Tôi nghĩ ra một loại vải mới. Lúc đầu vất vả lắm. Tôi phải lên nhà máy dệt công nghiệp để gặp ông Nguyên, lúc đó là giám đốc. Ông ấy ủng hộ ngay và ông ấy dệt cho 3000 mét. Khi đem về tôi làm thử thành sản sản phẩm thì rất thành công. Bà con lúc đầu bán một sản phẩm bằng loại vải đó được 300.000 đồng vào năm 1995”. 

Trải qua vô vàn thử thách của thời gian, ngọn lửa đam mê của ông Luân vẫn không hề bị hao mòn. Ngược lại, nó vẫn lan tỏa rực rỡ khi ông Luân đã có một công ty thêu của riêng mình - Công ty Thái Liên Handmade năm 2008 (Nay là Công ty Vũ Gia) và đưa những sản phẩm thêu ren nghệ thuật xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản. Hiện nay ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm thêu mới như túi xách, ví,... 

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, các làng nghề thủ công phải đứng trước nhiều thử thách  bởi sự cạnh tranh của nhiều ngành nghề hiện đại khác. Thế nhưng ông Luân vẫn luôn tin rằng, với niềm đam mê cùng sự sáng tạo của mình, nghề thêu ren Văn Lâm sẽ không bao giờ bị mất đi Bởi ông Luân sẽ luôn nỗ lực để cùng người dân, nhân công và con cháu của mình duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống hằng trăm năm ấy. 

Thu Duyên - MĐT K41

Phản hồi