Danh mục Thứ Tư, 08/05/2024

Cựu sinh viên - học viên \

Những “viên ngọc sáng” của ngành Báo chí - Truyền thông

21:18 16-07-2023
Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi đào tạo nên những thế hệ sinh viên xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn cho nền báo chí - truyền thông nước nhà. Một số gương mặt nổi bật như chị Cao Thị Thùy Giang, anh Nghiêm Tuấn Anh, chị Đỗ Phương Trang đều là những tên tuổi đã trưởng thành từ “chiếc nôi” mang tên Viện Báo chí.

Nhà báo Cao Thị Thùy Giang - cựu sinh viên K23 chuyên ngành Báo in

Nhà báo Cao Thị Thùy Giang hiện là phóng viên tại báo điện tử VietnamPlus. Sở hữu “bộ sưu tập” gần 40 giải thưởng báo chí, trong đó 4 lần đoạt Giải báo chí Quốc gia (giải A, B, C), các tác phẩm của chị mang đậm dấu ấn riêng với lối viết sắc sảo và hàm lượng thông tin phong phú. 

Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, song song với những thành tựu đã đạt được, nhà báo Cao Thị Thùy Giang đã gặp không ít thử thách và luôn tìm cách vượt qua khó khăn đó. Chị đã từng trăn trở, làm sao để viết ra một bài báo ấn tượng về cả nội dung và hình thức, bắt kịp xu hướng báo chí thế giới. Trong gần 1 năm, nữ nhà báo trẻ không chỉ tổng hợp tài liệu, chắt lọc thông tin quý giá cho tác phẩm báo chí mà còn từng bước đưa những biểu đồ minh họa vào bài. Kết quả sau nỗ lực đó của chị là những bài báo hấp dẫn, sinh động, xây dựng được bức tranh tổng quan về thị trường dược liệu. Không dừng lại ở đó, sức sáng tạo dồi dào và tâm huyết với nghề đã đem đến cho nhà báo Cao Thị Thùy Giang giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia.

 "Điều đầu tiên tôi quan tâm khi viết một bài báo không phải là giải thưởng mà là làm sao để đi sâu, đi sát và đi đến tận cùng của vấn đề, giải quyết được vấn đề đó"

Những kiến thức và trải nghiệm tích lũy được tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung và Viện Báo chí nói riêng là trợ thủ đắc lực cho nhà báo Cao Thị Thùy Giang trong quá trình học nghề và làm nghề báo. Chia sẻ về khoảng thời gian học tập tại Học viện, cây bút của 40 giải thưởng báo chí cho biết: “Sau hơn 15 năm ra trường, đến bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy Học viện Báo chí và Tuyên truyền là sự lựa chọn đúng đắn của mình. Ở trường Báo, việc học song song với thực hành, thầy cô dạy đồng thời cả kiến thức lý luận và thực tế, sinh viên được ứng dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn. Nhờ vậy, chúng tôi được học tập trong một môi trường thoải mái, năng động và được trải nghiệm trực tiếp công việc trong tương lai”.  

Anh Nghiêm Tuấn Anh, Phó chánh văn phòng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Anh Nghiêm Tuấn Anh giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng, đồng thời phụ trách hoạt động truyền thông của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Anh là thạc sĩ kinh tế và hiện đang theo học lớp Cao học Quản lý Báo chí Truyền thông K28.1 của Viện Báo chí. 

Xuất phát điểm là một sinh viên ngành kinh tế, nhưng sau khi làm việc và tiếp xúc với truyền thông, anh Nghiêm Tuấn Anh nhận thấy đây là một ngành vô cùng thú vị và quyết tâm theo đuổi nó. Chia sẻ về lý do lựa chọn Viện Báo chí để nuôi tiếp ước mơ của mình, anh nhớ lại: “Khi chuyển sang làm công tác truyền thông cho cơ quan, tôi thấy những kiến thức chuyên môn về ngành truyền thông rất cần thiết và bản thân mình cần phải trau dồi thêm, vì vậy tôi đã chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền để tiếp tục bồi dưỡng”.

Anh Nghiêm Tuấn Anh từng lên kế hoạch và triển khai một chiến dịch truyền thông chỉ trong 17 tiếng đồng hồ. Mặc dù anh gọi đó là “chiến dịch truyền thông 0 đồng”, thế nhưng hiệu quả đạt được lại vô cùng ấn tượng. Chỉ trong vòng 2 - 3 ngày, chiến dịch đã kêu gọi được số tiền tài trợ lên đến 160 tỷ đồng để tổ chức chương trình tặng quà cho những người dân nghèo ở TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chiến dịch thành công với cách làm nhanh, gọn, sáng tạo và đạt được hiệu quả khi tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội.

 "Việc học không bao giờ là muộn, không bao giờ là dư thừa"

Anh Tuấn Anh chia sẻ, những kiến thức bổ ích trong chương trình đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giúp anh triển khai chiến dịch hiệu quả: “Tôi được tiếp thu hệ thống kiến thức chuyên sâu và khoa học khi theo học tại Học viện. Những kiến thức và kĩ năng mà thầy cô - những bậc thầy trong ngành báo chí truyền thông truyền đạt hoàn toàn có thể áp dụng được vào công việc thực tế của mình”. 

Nhà biên kịch, sản xuất hiện trường Đỗ Phương Trang - cựu sinh viên K29 chuyên ngành Báo in

Nhà biên kịch, sản xuất hiện trường Đỗ Phương Trang là người đứng sau sự thành công của hàng loạt MV nổi tiếng như “Đi để trở về” -  Soobin Hoàng Sơn, “Anh ơi ở lại” - Chi Pu, “Để Mị nói cho mà nghe” - Hoàng Thùy Linh... Chị là cựu sinh viên khóa 29, chuyên ngành Báo in tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Chia sẻ về công việc sản xuất hình ảnh của mình, chị cho rằng đây là công việc “biến từ không thành có” - biến những ý tưởng ban viển vông và bất khả thi ban đầu trở thành những hình ảnh đầy tính bất ngờ và sáng tạo.

 “Mỗi sản phẩm đều là một thử thách đối với mình nhưng mình cảm nhận được niềm vui trong công việc này và thấy được ước mơ của mình thành hiện thực trong những khung hình của mỗi set quay"

Là cựu sinh viên từng học tập tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà biên kịch, sản xuất hiện trường Đỗ Phương Trang cho biết ký ức của chị về trường là các bài báo, chuyến đi thực tế, bài học bổ ích. Không những chăm chỉ học tập, chị đã tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như múa, hát, làm MC hay tổ chức sự kiện. Đặc biệt, nữ biên kịch là người lên ý tưởng cho chương trình “Phút cuối” - sự kiện thường niên tri ân và chia tay các sinh viên năm cuối của Học viện. Những năm tháng sinh viên sôi nổi tại trường Báo đã tạo bước đệm vững chắc cho chị trên con đường sự nghiệp sau này.

 "Được trở thành sinh viên báo chí là một niềm tự hào và cũng là sự tự tin mà bạn sẽ có được khi làm việc trong lĩnh vực báo chí - truyền thông"

Chị Phương Trang chia sẻ: “Hành trình nghề nghiệp là một hành trình rất dài, tuổi 18 chưa phải lúc các bạn chắc chắn bất kỳ điều gì. Nhưng có một điều mà mình chắc chắn là khi các bạn vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các kiến thức cơ sở ở đây sẽ là nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, các bạn sẽ có rất nhiều kỷ niệm cũng như có rất nhiều mối quan hệ quý giá để đồng hành trong hành trình sự nghiệp của mình”.

Nhìn chung, các cựu sinh viên Viện Báo chí đều cho rằng cơ hội việc làm luôn rộng mở đối với sinh viên báo chí ngay từ khi bước chân vào trường, chỉ cần mỗi sinh viên thực sự khao khát, muốn được thử thách bản thân, sẵn sàng thử sức với các công việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung và Viện báo chí nói riêng luôn tạo cơ hội và môi trường để sinh viên thực hành sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cựu sinh viên Viện Báo chí đã và đang không ngừng cố gắng nắm bắt những cơ hội, thử sức với nhiều công việc khác nhau để tìm ra đam mê của mình. Khi có ước mơ, có khát khao, có nỗ lực, chắc chắn mỗi sinh viên Viện Báo chí đều có thể trở thành những “viên ngọc sáng” của “làng” báo chí truyền thông trong tương lai.

Khánh Ly, Phương Thảo - TTĐC A1 K41

Phản hồi