Danh mục Thứ Hai, 20/05/2024

Tiêu điểm \

Dự thảo giới hạn giờ làm thêm của sinh viên được nhiều người ủng hộ

23:12 08-05-2024
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Dự thảo Luật Việc làm (Sửa đổi), trong đó là việc siết chặt giờ làm thêm của học sinh - sinh viên, để lấy ý kiến các bộ ngành và người dân. Điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội và nhiều ý kiến đồng tình được đưa ra.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung Điều 30 về quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Cụ thể, giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên từ 15 tuổi là không quá 20 giờ/tuần (trong kỳ học) và không quá 48 giờ/tuần (trong kỳ nghỉ).

Bảo vệ quyền lợi của “người lao động bán thời gian”

Ngay khi vừa được công bố, dự thảo trên nhiều người đồng tình. Họ cho rằng việc giới hạn giờ làm thêm có thể giúp các học sinh, sinh viên không bỏ bê chuyện học hành, nhận ra được đâu mới là ưu tiên hàng đầu ở lứa tuổi của các bạn. Hiện nay, bạn trẻ Gen Z đều là những người đa nhiệm, đa năng, cá tính mạnh và có ý thức về cái tôi cá nhân. Điều này dẫn đến tình trạng tham công tiếc việc, muốn phát triển nhiều mảng nhưng đôi khi lại quên mất rằng nền tảng cốt yếu nhất chính là kiến thức nhà trường.

Minh Đan (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: “Mình có công việc làm thêm đúng ngành với mức thu nhập ổn nên khá là tự tin. Từng có thời gian mình rất ít khi đến trường, chỉ đi học lúc điểm danh đầu giờ và bỏ ngang vào tiết thứ hai để đến công ty. Có một lần, chị quản lý hỏi mình về một thuật ngữ cơ bản trong ngành nhưng mình không hề biết dù đã được học qua. Từ đó, mình nhận ra kiến thức của mình không thể chỉ trau dồi khi đi làm mà phải qua cả trường lớp và sắp xếp thời gian để đi học đều đặn hơn”.

Bùi Thị Minh Đan (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) từng có thời gian bỏ học đi làm thêm dẫn đến rỗng kiến thức. (Ảnh: NVCC) 

Tình trạng làm thêm tự do, không giới hạn giờ làm như hiện nay đã khiến một số doanh nghiệp có hành vi bắt ép người làm thêm làm quá số giờ họ đã đăng ký. Chính vì vậy, những quan điểm đồng tình với dự thảo coi đây là một cách để bảo vệ quyền lợi học sinh, sinh viên khi đi làm tại các doanh nghiệp tư nhân.

Khánh Linh (21 tuổi, Sinh viên trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Mình theo học chuyên ngành Marketing và cũng từng làm công việc bán thời gian ở lĩnh vực này tại một doanh nghiệp về văn phòng phẩm. Mặc dù đã ký hợp đồng về thời gian làm việc nhưng trong suốt quá trình đó, mình liên tục phải lên văn phòng ngoài giờ dẫn đến việc mình không thể cân đối được giữa việc học và làm.

Chẳng hạn, ca làm việc vào buổi sáng, đến buổi chiều có lịch học nhưng khi hết giờ, chuyện mình phải quay lại văn phòng là ‘cơm bữa’ hầu như ngày nào cũng xảy ra. Đến tối về nhà, mình cũng không còn sức khoẻ để tiếp tục làm bài tập trên trường nữa”.

Tuy nhiên, đề xuất về giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên cũng gây ra không ít ý kiến trái chiều trong xã hội. Nhiều sinh viên phản đối vì cho rằng họ đã đủ 18 tuổi và có thể tự chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân, tự biết cân đối thời gian giữa việc đi học và đi làm.

Hơn nữa, việc đi làm thêm là dựa vào nhu cầu thực tế của sinh viên. Có những sinh viên đi làm thêm để lấy kinh nghiệm, trau dồi học hỏi để phục vụ cho ngành học, nhưng cũng có những sinh viên lấy kinh tế làm ưu tiên để trang trải cho cuộc sống cá nhân của mình. Việc giới hạn số lượng giờ đi làm cũng sẽ tạo ra áp lực cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn, trong khi vật giá đang ngày càng leo thang. 

Nguyệt Anh (22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Greenwich Việt Nam) bày tỏ quan điểm: “Mình luôn ưu tiên việc học, sau đó sẽ sắp xếp lịch làm vào các thời gian rảnh. Ngoài ra nếu có những công việc cần gấp thì mình sẽ hoàn thành trước thời hạn để không tốn quá nhiều thời gian dành cho việc học”.

Theo Nguyệt Anh, sinh viên được chia thành nhiều loại như sinh viên học Đại học, sinh viên học Cao Đẳng, sinh viên học nghề… nên mỗi sinh viên sẽ có môi trường học và những yêu cầu đầu ra đòi hỏi khác nhau. Vì vậy không thể có giới hạn cho việc quản lý thời gian làm thêm đối với sinh viên nói chung như vậy. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, sinh viên cần được tạo nhiều điều kiện và cơ hội hơn nữa để phát triển trong một thế giới mở. 

Nguyệt Anh là một trong những sinh viên tiêu biểu của trường trong học tập và hoạt động ngoại khoá. (Ảnh: NVCC)

Giúp bạn trẻ cân bằng thời gian

Không chỉ sinh viên mà các nhà trường, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến dự thảo giới hạn giờ làm thêm. Nhiều nhà trường và doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất trên vì điều này sẽ giúp học sinh, sinh viên cân bằng thời gian giữa việc đi học và đi làm. 

Chị Đinh Thị Phương Linh (Quản lý cửa hàng cà phê Starbucks chi nhánh Trung Hòa) cho biết, việc đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 20 giờ/tuần sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự của cửa hàng. Tuy nhiên, với cương vị một doanh nghiệp, chị đồng thuận với dự thảo trên bởi sẽ giúp các bạn trẻ cân bằng giữa việc đi học và đi làm.

Chị Đinh Thị Phương Linh (Quản lý cửa hàng cà phê Starbucks chi nhánh Trung Hòa) bày tỏ sự đồng tình với dự thảo giới hạn giờ làm thêm. (Ảnh: NVCC) 

Phương Linh bày tỏ: “Việc giới hạn giờ làm thêm của sinh viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, bởi việc giới hạn giờ đi làm có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nhân sự và mình sẽ phải tuyển thêm nhân viên. Tuy nhiên, mình thấy dự thảo trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp các bạn phân định rõ ràng giữa thời gian đi học và thời gian đi làm”.

Theo chị Phương Linh, dự thảo giới hạn giờ làm thêm hoàn toàn khả thi nếu được triển khai một cách hợp lý, chặt chẽ, có một lộ trình cụ thể để học sinh, doanh nghiệp và cả nhà trường có thời gian chuẩn bị. 

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định: “Với quan điểm cá nhân của tôi, việc sinh viên đi làm thêm có nhiều mặt lợi ích: vừa giúp trang trải sinh hoạt phí, vừa cải thiện kỹ năng giao tiếp, quản lý và sắp xếp thời gian. Chưa kể nếu sinh viên làm thêm đúng với chuyên ngành của mình thì sẽ là một cơ hội để trải nghiệm trước khi ra trường. Đi làm thêm là tốt, song tôi vẫn đồng tình với dự thảo giới hạn luật làm thêm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. 

Theo TS. Hường, để có thể thực hiện dự thảo này, chúng ta cần sự khảo sát, nghiên cứu từ điều kiện học tập cũng như thói quen sinh hoạt của sinh viên Việt Nam để có thể triển khai một cách hợp lý nhất.

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc đi làm thêm mang đến, song cũng cần cân nhắc, cẩn thận để học sinh, sinh viên không sa đà vào công việc. Trên thực tế, việc giới hạn giờ làm thêm đã có ở một số quốc gia trên thế giới. Tại một số nước phương Tây như Mỹ, Phần Lan, Tây Ban Nha… quy định giờ làm thêm của sinh viên trong khoảng 20 - 24 giờ một tuần. Tương tự ở Hàn Quốc, sinh viên không được phép làm thêm quá 25 giờ một tuần. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, điều này sẽ giúp học sinh, sinh viên dành sự quan tâm đúng mực hơn cho việc học tập, bởi trên thực tế xuất hiện trường hợp sinh viên bỏ giờ học để đi làm thêm. 

Ở Việt Nam, khi dự thảo vừa được ra mắt đã ngay lập tức gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phần đông ý kiến bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất giới hạn giờ làm thêm không quá 20 giờ/tuần vì sẽ ngăn chặn được nhiều rủi ro cho các bạn trẻ khi đi làm tại các doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần sự đầu tư, liên kết chặt chẽ giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp và các cơ quan liên quan. 

Từ phía nhà trường, cần những biện pháp mạnh mẽ cũng như cử ra một bộ phận chuyên xử lý những sinh viên vi phạm. Từ phía doanh nghiệp, cần biết quản lý chặt chẽ những nhân sự là sinh viên, chấp hành nghiêm túc những quy định do dự thảo đưa ra. Quan trọng nhất, các học sinh, sinh viên cần nâng cao ý thức học tập, biết cân bằng giữa thời gian đi học và đi làm để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. 

Mai Quỳnh Anh, Thu Trang - MĐT K41

Phản hồi