Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

Tiêu điểm \

Sáp nhập cơ quan báo chí là quá trình gian nan và lâu dài

11:27 25-03-2024
Thực hiện Quyết định số 362 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ trong việc hợp nhất và tổ chức lại bộ máy. Tuy nhiên, việc sáp nhập và sắp xếp lại cơ quan báo chí còn gặp nhiều vấn đề và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía tòa soạn.

Khó khăn trong việc thực hiện quy trình sáp nhập

Thời điểm trước, khi quá trình chuyển đổi số diễn ra chưa mạnh mẽ và nhanh chóng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương thường tập trung phát triển một đến hai loại hình báo chí thế mạnh. Tuy nhiên hiện nay, kỷ nguyên công nghệ số đã tác động rất lớn đến nền báo chí, đó là phải tăng cường xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ nhưng phải tinh gọn trong cơ cấu tổ chức. Điều này đặt ra vấn đề “Làm cách nào để hợp nhất, quản lý báo chí có hiệu quả?” cho ban lãnh đạo cơ quan nói riêng và cả toà soạn nói chung. 

Bày tỏ quan điểm về khó khăn trong quá trình sáp nhập báo chí của các cơ quan hiện nay, ông Nguyễn Chiến Thắng - Thư ký Báo Sức khoẻ và Đời sống chia sẻ: “Quá trình sáp nhập báo chí là quá trình cực kỳ gian nan. Bộ Giao thông Vận tải có 9 báo, 9 cơ quan này phải sáp nhập đồng nghĩa với 9 Tổng Biên tập phải tập trung vào một nơi. Có những Tổng Biên tập trở thành Trưởng phòng nhưng cũng có nhiều Phó Tổng Biên tập đi xuống làm phóng viên, biên tập viên”. 

 Ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ với lớp Báo mạng điện tử CLC K42, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về những khó khăn trong sáp nhập. (Ảnh: Ngọc Khuê)

Như vậy, việc tổ chức và sắp xếp lại bộ máy sao cho hợp lý đã trở thành khó khăn cơ bản đối với mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong muôn ngàn thách thức mà toà soạn phải đối mặt. Việc ổn định tư tưởng của người làm báo khi hoà lẫn cách thức hoạt động của các loại hình báo chí, thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ được xem là khó khăn lớn nhất. 

Nhiều phóng viên, biên tập viên đã chuyên về một khâu sản xuất, một thể loại báo chí nhưng khi sáp nhập, họ phải đảm nhận nhiều vai trò để tự sản xuất một sản phẩm báo chí đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả cũng như cạnh tranh với nhiều nguồn tin khác. Khối lượng và áp lực công việc ngày càng lớn, nếu không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về mặt tư tưởng, chất lượng tin bài chắc chắn sẽ không được đảm bảo và vấn đề hợp nhất cơ quan báo chí liệu có phải là chủ trương đúng đắn?

Nhiều phóng viên, biên tập viên đã chuyên về một khâu sản xuất, một thể loại báo chí nhưng khi sáp nhập, họ phải đảm nhận nhiều vai trò để tự sản xuất một sản phẩm báo chí đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả cũng như cạnh tranh với nhiều nguồn tin khác. (Ảnh: Ngọc Khuê)

Chỉ cần nỗ lực ắt sẽ thành công

Theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với việc Quy hoạch và Phát triển Báo chí đến năm 2025 có nêu rõ: “...Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích”. Với ý nghĩa này, các cơ quan báo chí đã và đang đẩy mạnh quá trình sáp nhập cũng như tổ chức lại bộ máy sau hợp nhất. Nhiều cơ quan tiên phong trong hoạt động này đã đạt được những thành tựu nhất định. 

Năm 2021, Báo Gia đình & Xã hội sáp nhập thành công với Báo Sức khỏe và Đời sống. Sau sáp nhập, quy mô nhân sự của báo khoảng 160 người làm việc trên khắp cả nước. Các ấn phẩm của Báo ngày càng được mở rộng, tăng độ bao phủ về truyền thông, lượng độc giả. 

Sau thành công này, ông Nguyễn Chiến Thắng bày tỏ: “Báo Sức khoẻ Đời sống và Gia đình xã hội được đánh giá là 2 tờ báo sáp nhập vui vẻ, êm đềm nhất. Chỉ sau 1 năm sáp nhập, mọi người làm việc, phối hợp vô cùng ăn ý. 3 năm qua là cả sự cố gắng và nỗ lực của tòa soạn gần 200 con người. Đặc biệt là Tổng biên tập - anh Trần Tuấn Linh - luôn thấu hiểu và chia sẻ với anh em để động viên tinh thần của mọi người”. 

Báo Dân trí cũng là một trong những cơ cơ quan thực hiện sáp nhập thành công với Báo Lao Động và Xã hội vào tháng 11/2023. Dựa trên yêu cầu tạo ra một cơ quan báo chí tổng hợp  chuyên sâu về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Báo Dân trí đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo đặt ra. Đội ngũ cán bộ nhân viên của báo luôn ý thức về việc phát huy thế mạnh của toà soạn cũng như tập trung trau dồi và bồi dưỡng cho nhà báo những kỹ năng mới như: tác nghiệp bằng điện thoại, tư duy thiết kế hình ảnh, tự sản xuất video,...

Là một trong những tờ báo địa phương thí điểm cho việc hợp nhất cơ quan báo chí, Báo Bình Phước được hợp nhất với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Phước đã ghi nhận những thành tựu đáng kể sau sáp nhập. Bà Nguyễn Thị Minh Nhâm - Tổng Biên tập Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước cho biết, hiện nay có hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; có sự đột phá, mới lạ, không còn lối mòn, có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí và từng phóng viên, biên tập viên. 

Không thể phủ nhận quá trình sáp nhập báo chí là vấn đề đầy thách thức,  đòi hỏi sự đoàn kết của toàn bộ toà soạn, đứng đầu là người lãnh đạo. Ngược lại, có thể nhận thấy khi việc sáp nhập thành công, bộ máy tổ chức trở nên tinh gọn hơn, năng lực cạnh tranh thông tin của các cơ quan báo chí ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhiều bài báo được đầu tư từ nội dung đến hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Bên cạnh đó, thực hiện hợp nhất cơ quan báo chí còn khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về thông tin giữa các cơ quan báo chí trong cùng một ngành; đẩy mạnh thông tin “mũi nhọn”, góp phần định hướng, tuyên truyền và giáo dục công dân. 

Ngọc Khuê - BMĐT CLC K42

Phản hồi