Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Sắc màu văn hóa tâm linh của các lễ hội truyền thống tại Hà Nam

22:07 24-03-2024
Mảnh đất Hà Nam không chỉ được du khách biết đến với những khu du lịch có cảnh quan đẹp mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng qua các lễ hội truyền thống. Lễ hội ở Hà Nam rất nhiều và đa dạng, in đậm những nét đặc trưng của địa phương. 

                                                                               

Đến với Hà Nam, du khách sẽ được hòa mình vào không khí của những lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm. (Ảnh: Vinpearl)

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn

Không thể không nhắc đến chính là lễ hội chùa Long Đọi Sơn. Đây là ngôi chùa có lịch sử gần 1000 năm, nằm trên đỉnh ngọn núi Đọi, thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì cho xây dựng năm 1054 - 1058. 

Vào ngày 17 - 21/3 âm lịch hằng năm, chùa sẽ tổ chức tưởng nhớ vị sư Tổ đời thứ năm là Hòa thượng Thích Chiếu Thường, người quê Đọi Lĩnh, có công lớn trong việc xây dựng và mở mang chùa Đọi. Với nhiều hoạt động văn hóa, các nghi thức tâm linh truyền thống đặc sắc, lễ hội chùa Long Đọi  Sơn không chỉ thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của bà con phật tử xa gần, mà còn là dịp để du khách thập phương về chùa chiêm bái cảnh đẹp, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của lễ hội và những giá trị nổi bật của di tích, tôn giáo.                                                                                 

Người dân và du khách nô nức tham gia các hoạt động tại lễ hội chùa Long Đọi Sơn. (Ảnh: Báo Hà Nam)

Tại lễ hội, nhân dân và du khách thập phương không chỉ được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng mà còn được trực tiếp tham gia các nghi thức, hoạt động xuyên suốt những ngày lễ. Các tiết mục như: biểu diễn múa lân, rồng, đánh trống khai hội, dâng hương, các đội tế nam và tế nữ cùng các tăng ni làm lễ tế Phật theo nghi lễ truyền thống,... đều làm nên nét đặc sắc cho lễ hội.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch tại thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, Duy Tiên cũng là một trong những lễ hội quan trọng. Đây là nghi thức tế Thành hoàng, Thần Nông, cầu mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và hướng về nguồn cội. Lễ Tịch điền có từ thời vua Lê Đại Hành và được lưu truyền cho đến ngày nay với nhiều nét bản sắc còn nguyên vẹn.                                                                  

Hà Nam tưng bừng trong ngày hội đầy ý nghĩa. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Cho đến nay, trải qua gần 20 năm tổ chức, không gian văn hóa của lễ hội Tịch điền vẫn giữ nguyên các nghi lễ truyền thống cùng các trò chơi dân gian. Một trong những hoạt động đặc sắc trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được nhắc đến chính là hội thi vẽ trang trí trâu. Hội thi vẽ trang trí trâu trong khuôn khổ lễ hội Tịch điền thu hút rất nhiều họa sĩ của các tỉnh lân cận, thậm chí có cả họa sĩ nước ngoài cùng thỏa sức sáng tạo với những gam màu sắc sặc sỡ, hình ảnh độc đáo, ấn tượng trên mình trâu. Trâu đoạt giải trong hội thi vẽ sẽ tham gia nghi lễ Tịch điền, được đóng cày xuống ruộng vào sáng mùng 7 tháng Giêng âm lịch. 

Lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội đền Trần Thương diễn ra vào 16 - 20 tháng 8 âm lịch, tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, Lý Nhân cũng là một lễ hội quan trọng góp thêm sắc màu cho bức tranh văn hóa tâm linh ở Hà Nam. Đền Trần Thương là nơi thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Trần và những vị anh hùng đã có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII.                                              

Du khách thập phương tề tựu tại đền Trần Thương vào ngày hội đặc biệt. (Ảnh: Báo Hà Nam)

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ xin Đức Thánh Trần cho nhân dân mở cửa Đền và tổ chức lễ hội; Lễ tế, kính Thánh của các đoàn và nhân dân địa phương; Lễ thả đèn hoa đăng tại hồ Trần Thương; Lễ tâm linh ngày kỵ nhật của Đức Thánh Trần... Cùng với những nghi lễ tâm linh, trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Hội thi em yêu lịch sử quê hương; Đêm hội Trần Thương, Thi nấu cỗ cúng Thánh và tổ chức Giải cờ tướng, kéo co và các trò chơi dân gian.

Ngoài những lễ hội trên, Hà Nam còn có Hội thi thả diều (Làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân vào 15/5 âm lịch hằng năm), Hội vật võ Liễu Đôi (ngày 5 - ngày 10 tháng Giêng âm lịch tại làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, Thanh Liêm), lễ hội đền Lảnh Giang (18 - 25 tháng 6 âm lịch và 25 tháng 8 âm lịch thôn Yên Lạc, xã Mộc, Duy Tiên),... Tất cả đã làm nên sự phong phú, đa sắc màu cho nền văn hóa truyền và du lịch ở Hà Nam.                                                                   

 

Nhắc đến Hà Nam là nhớ đến mảnh đất với bề dày lịch sử và những nét đẹp văn hóa qua các lễ hội truyền thống. (Ảnh: Traveloka, Vinpearl)

Bạn Hoàng Phúc (Người dân địa phương) chia sẻ: “Là một người con của mảnh đất Hà Nam, mình rất tự hào khi quê hương luôn giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống mà cha ông để lại từ bao đời nay. Với cá nhân mình, các lễ hội được tổ chức hàng năm không chỉ là dịp để người dân thực hiện các nghi lễ tế bái trang nghiêm mà còn để giao lưu văn hóa, mời gọi du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm”.

Có thể nói, các lễ hội truyền thống ở Hà Nam đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì bản sắc và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mỗi dịp lễ hội đến cũng là lúc những người con của quê hương, dù ở bất kỳ đâu, được trở về nơi chôn rau cắt rốn, được cảm nhận nhịp điệu quen thuộc của văn hóa, của lịch sử, truyền thống quê nhà.
 

Thùy Dương - CJC

Phản hồi