Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Giá thuê trọ leo thang - sinh viên chật vật

14:36 03-12-2023
Mỗi năm các trường đại học trên Hà Nội đón gần chục ngàn sinh viên mới nhập học, dẫn đến tình trạng khan hiếm phòng trọ, giá thuê trọ tăng cao.

Nhu cầu tỉ lệ thuận với giá cả

Theo số liệu thống kê năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số sinh viên Đại học lên tới hơn 2 triệu người/năm. Mỗi mùa tựu trường lại là một lần sinh viên đồng loạt chuyển và tìm trọ. Dù nhiều trường có khu ký túc xá riêng, nhưng có những sinh viên chọn tìm những nhà trọ bên ngoài bởi sự tiện lợi và thoải mái.

Tìm chỗ cho thuê trọ là một trong những khó khăn đầu tiên của tân sinh viên. (Ảnh: Thảo Hương)

Bạn Khánh Linh (sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: “Khi chuyển ra ngoài và đi tìm phòng trọ, đó là một khoảng thời gian tương đối vất vả với mình, không có phòng trọ nào vừa ý, mà khi có thì túi tiền lại không cho phép. Mãi sau mình cũng tìm được một phòng trọ dù không thật vừa ý nhưng được cái không gian cũng thoải mái.”

Anh Đức (25 tuổi, Hà Nội), chủ một nhà trọ tại Cầu Giấy cho biết, hiện tại giá phòng cho thuê của gia đình anh là 3 triệu - 4 triệu đồng/phòng. Thông thường sau khi nhận kết quả trúng tuyển, chỉ 1-2 ngày sau đã có rất nhiều phụ huynh đến hỏi thuê nhà, ai cũng lo lắng sợ hết phòng nên đến rất sớm. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi ra một số tiền để giữ căn phòng dù chỉ bỏ không.

Hình ảnh một phòng trọ giá 4 triệu rưỡi tại Cầu Giấy. (Ảnh: NVCC)

Bạn Mỹ Ánh (sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ): “Tháng đầu tiên, chủ nhà cho mình thuê 3 triệu/tháng với  phòng 25m2, 4.000 đồng/1 kw. Ở một thời gian thì chủ nhà báo tiền điện tăng lên là 4.500 đồng/1 kw. Phòng có 20m vuông đã 3 triệu, rồi điện nước dịch vụ đi kèm, mỗi tháng mình cũng phải mất đến hơn 5 triệu tiền trọ.” 

Số tiền mỗi tháng mà Mỹ Ánh phải trả. (Ảnh: NVCC)

Mỹ Ánh chia sẻ cuối tháng nào cũng đau đầu vì tiền trọ. (Ảnh: NVCC)

Giá phòng tăng nhưng cơ sở vật chất có tốt?

Vào mỗi mùa khai giảng, nhu cầu tìm kiếm phòng trọ lại trở nên vô cùng cấp thiết, thậm chí tình trạng khan hiếm nhà trọ khiến cho nhiều tân sinh viên phải chấp nhận ở ghép 4 - 5 người trong những gian phòng chật hẹp, ảnh hưởng nhiều đến học tập, sinh hoạt thường ngày. 

Mạnh Tường (20 tuổi, Đại học Phenikaa) tâm sự: “Mình ở ghép 5 người trong một căn chung cư mini hai phòng. Mình và bạn mình ở phòng nhỏ, còn phòng to hơn cho ba người ở. Phòng đông người nên có khá nhiều bất tiện về việc vệ sinh cá nhân, việc phân chia dọn dẹp và lúc nào cũng có bất đồng quan điểm,... cuối cùng mình đã phải chuyển ra trọ khác để sống riêng cho thoải mái.”

Bạn Dương Hiếu (sinh viên năm nhất Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi lên tìm kiếm phòng trọ, mình có tham khảo trước ở các Group Facebook và hẹn chủ nhà. Tuy nhiên khi đến nơi thì chất lượng phòng lại không được như mô tả, an ninh cũng không đảm bảo nên mình đã phải đi rất nhiều nơi để hỏi han tìm phòng khác. Không những vậy, những chủ nhà cho thuê yêu cầu phải đóng 1 khoản cọc khá lớn để giữ phòng. Vì sắp nhập học nên có rất nhiều khoản phải chi tiêu, mình cảm thấy vô cùng áp lực.”

Giá phòng biến động theo từng tháng nhưng chất lượng và điều kiện sống lại ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nhiều khu trọ do quá chật hẹp nên các phòng phải dùng chung nhà vệ sinh, phòng tắm. Thậm chí, một số khu trọ còn xuất hiện tình trạng tường nhà ẩm mốc, bong tróc, vết dầu mỡ bám đầy.

Mặc dù dấu hiệu hư hại đã nặng nhưng chủ nhà vẫn cố chấp cho thuê. (Ảnh: Thảo Hương)

Trước năm học mới, sinh viên thuê nhà trọ tại Hà Nội đang đối mặt với những thách thức lớn để “an cư”. Để hạn chế những rủi ro và giảm bớt sự vất vả trong quá trình tìm kiếm phòng trọ, sinh viên nên tham khảo thông tin từ những nguồn uy tín.

Thảo Hương - Báo in K41

Phản hồi