Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Hành trình gieo ước mơ cho học sinh nghèo của cô giáo dạy Văn tại Thái Bình

22:32 17-09-2023
Với phương châm “cho đi khi còn có thể”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy lập nên quỹ học bổng “Ước mơ xanh” để giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học. Quỹ học bổng đã duy trì được ba tháng với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Thúy, 37 tuổi, là một giáo viên trẻ đang công tác tại trường THPT Chuyên Thái Bình. Được bồi đắp tình yêu với nghề dạy học từ bé qua những trang truyện Kiều, Lục Vân Tiên của ông bà ngoại, cô Thúy đã quyết tâm thi Đại học Sư Phạm Hà Nội và được tuyển thẳng vào khoa Văn của trường. 

Cô Nguyễn Thị Thúy cùng các bạn học sinh được cô trao học bổng nhân dịp Khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: NVCC.  

Quỹ học bổng được lập nên từ những cái duyên 

Nhiều năm đi dạy, cô Thúy gặp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhìn thấy mình trong hình ảnh đó, cô luôn hết lòng giúp đỡ học trò. Quỹ học bổng này không được cô lên kế hoạch từ trước. Nó được cô lập nên chỉ sau một đêm, khi tới thăm gia đình của học trò tại Vũ Thư, Thái Bình. Bố và chị đi làm xa, Bình vừa chăm nom mẹ ốm vừa trông em nhỏ và đi học. Hành trình đến trường của em gian nan đã thôi thúc cô cần phải làm gì đó.

Ghé qua trang facebook cá nhân của cô Thúy, ai cũng cảm nhận được tâm huyết của một giáo viên yêu nghề, yêu người. Dưới mỗi bài đăng về quỹ học bổng, cô đều viết: “Quỹ Ước mơ xanh được thành lập bởi cô giáo Nguyễn Thuý vào tháng 6/2023. Quỹ không nhận tiền đóng góp của bất kỳ ai. Số tiền khởi điểm là 50 triệu và mỗi tháng cô Thuý sẽ gửi vào 10 triệu. Quỹ sẽ trợ giúp những học trò Thái Bình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi trò sẽ được nhận 5.000.000 VNĐ.” 

Chia sẻ về lý do không nhận đóng góp của ai, cô Thúy cho rằng có rất nhiều cách thiện nguyện khác nhau và con đường mà cô chọn là tự bỏ tiền túi để duy trì quỹ học bổng. Thay vì đi kêu gọi và sao kê, cô sẽ làm việc thật chăm chỉ để quỹ được phát triển. 

  Những chuyến đi thiện nguyện của cô Thúy tại làng của mình ở Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Đây không phải lần đầu tiên tôi làm việc thiện nguyện. Trên hành trình dạy học, tôi gặp rất nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bạn nào tôi cũng giúp đỡ hết mình như không thu học phí, hỗ trợ tiền trọ,..."

"Vào khai giảng, Tết nguyên đán hàng năm, tôi và chồng thường về quê để tặng quà cho các bạn học sinh. Vì thế, việc tự duy trì quỹ học bổng không phải là điều quá khó khăn đối với tôi.” Cô Thúy chia sẻ.

Chừng nào còn sức khỏe, tôi sẽ còn cho đi 

Khi mở ra quỹ học bổng, cô Thúy không nghĩ nhiều tới tương lai. Đối với cô, khi nào còn sức khỏe, cô còn làm để giúp đỡ và mở đường cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Chú Đặng Thành Khiêm là người chồng nhưng cũng là người cộng sự đặc biệt của cô Thúy. Chú Khiêm luôn tự hào về những gì vợ mình đang làm, từ lớp học Màu Xanh đến quỹ học bổng Ước mơ xanh. Bất kể mưa gió hay quãng đường 30-40km, chú đều đồng hành cùng vợ trên mỗi chuyến đi. 

Có một “hậu phương” vững chắc hỗ trợ mình, cô Thúy luôn cảm thấy yên tâm tiếp tục công việc thiện nguyện. Cô cười và chia sẻ: “Đối với tôi, chồng là mạnh thường quân lớn nhất”.  

Chú luôn đồng hành cùng cô trên mọi nẻo đường. Ảnh: NVCC.

Quãng đường đến với các bạn học sinh đều khá xa. Nhưng cô và chồng luôn cố gắng đến tận nơi để trao quà thay vì gửi tiền bằng hình thức chuyển khoản. Cô Thúy rất muốn được gặp trực tiếp các em nhỏ để hiểu hơn về hoàn cảnh. Đây cũng là cách cô trao niềm tin, hy vọng giúp các em vững bước hơn trong tương lai. Đối với cô, món quà này còn quý giá hơn gấp ngàn lần những hiện vật mà cô mang đến. “Mỗi chuyến đi thiện nguyện lại cho tôi gặp gỡ thêm một hoàn cảnh, hiểu thêm một câu chuyện đời để biết yêu thương, chia sẻ và trân trọng cuộc sống này hơn nữa. Dù sau mỗi chuyến đi, rất nhiều đêm tôi mất ngủ vì ám ảnh, vì thương.” Cô chia sẻ.

Trong ba tháng hoạt động của dự án, cô Thúy được nghe khá nhiều câu chuyện đau thương. Hoàn cảnh khiến cô đồng cảm nhất là em Vũ Thị Ngọc Huyền học sinh tại trường THCS Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình). Mẹ Huyền phát hiện bị ung thư khi đang mang thai em. Thay vì chữa trị, người mẹ đã chấp nhận hy sinh để có em trong đời. Tuy nhiên, ngày Huyền chào đời cũng là ngày mẹ ra đi. Bố em sau đó lập gia đình mới ở một nơi xa và không có hồi âm. Ngọc Huyền ở với bà ngoại từ đó. 

 Cô Thúy cùng cô giáo và gia đình của em Ngọc Huyền. Ảnh: NVCC.

"Căn nhà nhỏ bé là chốn nương thân của một già một trẻ. Bà đi làm thêm để nuôi cháu. Ngọc Huyền là cô bé thông minh và đầy nghị lực. Đôi mắt của em sáng, vầng trán cao và cô bé ăn nói rất lưu loát. Mới chỉ học hết lớp 7 nhưng cô bé rất hiểu chuyện. Em kể cho chúng tôi nghe về ước mơ được học trường Chuyên sau này và đặc biệt là ước mơ làm cô giáo giống mẹ của em. Năm vừa rồi, Huyền thi đạt học sinh giỏi môn Anh cấp Huyện và là thủ khoa khối lớp 7 của ngôi trường em đang theo học. Trong căn nhà nhỏ bé, đơn sơ, góc học tập của em rất ngăn nắp và gọn gàng. Huyền yêu việc học và chưa bao giờ thôi khát vọng được đến trường dù em biết đường đời phía trước còn gian nan…Từ lúc bước vào căn nhà của hai bà cháu, tôi cảm giác như có ai đó đang dõi theo chúng tôi. Và tôi đã khóc khi nghĩ đó là mẹ Huyền. Tôi cũng là một cô giáo. Công việc hàng ngày vất vả bộn bề, những mùa thi thường vắt kiệt sức của tôi. Những lúc ở vào điểm cùng cực của tất cả, tôi cũng từng nghĩ về cái chết và lại khóc vì thương đàn con còn quá thơ dại. Tôi lại gượng dậy, vươn lên. Người đồng nghiệp xấu số của chúng tôi, chắc chắn cũng đã đớn đau đến tột cùng khi phải bỏ con lại giữa nhân gian. Tôi cứ chảy nước mắt khi nhìn bà ngoại, bà nội rồi lại nhìn bé Huyền. Có lẽ họ đã phải đi qua những ngày cô đơn đến cùng cực. Bà thành mẹ, chở che và yêu thương, bù đắp và chữa lành. Nhưng cái tuổi ngoài bảy mươi của bà như ngọn đèn trước gió, mà Ngọc Huyền chỉ còn mỗi bà là điểm tựa cho cả một cuộc đời dài…", cô Thúy chia sẻ trên trang facebook cá nhân khi nói về trường hợp của em Huyền. 

Cô mong muốn những bài viết của mình tiếp cận được nhiều người hơn nữa, đặc biệt là các bạn học sinh. Đó không chỉ là cách lan tỏa những hành động đẹp mà còn giúp mọi người sống tốt hơn. Đối với cô, cho đi không phải là vơi mất đi một điều gì mà cho đi là nhận lại. Đặc biệt là nhận lại một tâm hồn thanh thản và niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác. Đó là phương châm mà cô Thúy đã và đang thực hiện và muốn lan tỏa trên con đường thiện nguyện của mình và cô luôn tâm niệm “Hãy tin rằng ngày mai tha thiết lắm, tự tim mình hoa trái sẽ sinh sôi“.

Huyền My

Phản hồi