Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Giới trẻ tiếp nối tín ngưỡng Tứ Phủ trong dòng chảy đương thời

11:37 14-09-2023
Tín ngưỡng Tam, Tứ phủ hay còn được gọi là tín ngưỡng Thờ Mẫu (Đạo Mẫu) hiện nay đang được thế hệ trẻ đón nhận và phát huy theo nhiều cách hiện đại, mới mẻ. Tuy nhiên thế hệ phát huy vẫn giữ vững được những hơi thở dân gian trong tín ngưỡng, văn hoá để đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Tín ngưỡng Tam, Tứ phủ trong nền văn hoá Việt

 Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Nhắc đến văn hóa, không thể không kể đến Việt Nam- đất nước 54 dân tộc với một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú.

Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng từ đó Việt Nam đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng và phát triển văn hóa dân tộc. Đã từ lâu, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và đang thu hút rất nhiều người. Từ thế kỷ 16, thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân. 

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam, Tứ phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, đất, sông, rừng núi), coi tự nhiên là Mẹ. Người đời cho rằng các vị Nữ thần có chức năng sáng tạo sinh sôi, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người. Lấy hình tượng người mẹ làm trung tâm để thể hiện niềm tin, khát vọng trong cuộc sống.Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ ), ngoài ra Tứ phủ có thêm Địa phủ .

Tam Tòa Thánh Mẫu cai quản ba miền với sắc áo đỏ- Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, xanh- Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, trắng- Mẫu Đệ Tam Mẫu Thoải, đại diện cho từng cõi. (Ảnh sưu tầm)

Việt Nam là một đất nước rừng vàng, biển bạc, có địa hình ¾ là rừng núi, ¼ là đồng bằng cùng với mạng lưới sông ngòi dày đặc trải dài mảnh đất hình chữ S. Nước ta là nước thuần nông, từ xưa người dân sinh sống chủ yếu là nhờ vào trồng trọt và gắn liền với nền văn minh lúa nước nên nương vào mẫu mẹ Thượng Ngàn (Mẫu mẹ tượng trưng cho người cai quản núi rừng, đất đai). Bên cạnh đó, Người Việt cũng cầu cho “Mưa thuận gió hoà” để mùa màng tốt tươi và tượng trưng cho các yếu tố mưa, sấm, sét…là Mẫu mẹ Thượng Thiên. Mẫu mẹ Thoải Phủ biểu tượng cho vị thần cai quản biển cả, sông nước. Bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên, đất trời. Vì vậy họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao với mong muốn Mẫu sẽ che chở cho cuộc sống của họ ấm no, hạnh phúc. Đạo mẫu còn thể hiện một ý thức xã hội hướng về cội nguồn mà trong đó lấy hình tượng người Mẹ làm biểu tượng, một ý thức yêu nước, gắn bó với dân tộc, ý thức về một đời sống thực thường nhật với các nhu cầu về sức khỏe, tài lộc.

Trở về với nguồn gốc, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ mang đậm chất bản địa và nguyên thủy. Bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Mẹ là biểu tượng cho sự sinh tồn của giống nòi. Cho đến hiện nay, tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn mang sức sống bền bỉ và được thực hành trên 7000 đền, phủ trên cả nước.

Cố GS Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu và thành công khi những trang viết đầy tính thuyết phục của ông và được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành di sản văn hoá phi vật thể. Hầu đồng là một nghi lễ trong thờ Tam phủ. Mẫu đệ Nhất Thiên Tiên (Mẫu Thượng Thiên - Mẫu trời), Mẫu đệ Nhị Thượng Ngàn (Mẫu rừng) và Mẫu đệ Tam Thoải Phủ (Mẫu miền sông nước).

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu là hình thức diễn xướng “hầu đồng”. GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: "Nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng là câu chuyện kể bằng làn điệu hát văn cùng với điệu múa của những thanh đồng, là hình thức diễn xướng kết hợp với ấm nhạc mang tính tâm linh, làn điệu uyển chuyển và nghi lễ trang nghiêm. Lời văn như bản ca lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi những vị anh hùng có công với đất nước. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều các chương trình về nghệ thuật hầu đồng. Nhiều đoàn nghệ thuật vẫn dàn dựng các giá đồng để biểu diễn với khách du lịch, mục đích là quảng bá, giới thiệu về cái đẹp của nghệ thuật hát văn."

Kể từ năm 2016 khi được UNESCO công nhận tín ngưỡng Tam, Tứ phủ là di sản văn hoá phi vật thể Thế giới. Nhiều nghệ sĩ vui mừng, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ không giấu được cảm xúc tự hào khi được đưa tín ngưỡng, văn hoá tốt đẹp đến với khán giả trong nước và ngoài nước trên sân khấu. Có lẽ các nghệ sĩ gạo cội hay nghệ sĩ mới bước vào nghề đều bị cuốn hút bởi các loại hình nghệ thuật có mặt trong tín ngưỡng Tam, Tứ phủ như múa, diễn xướng, hát văn (chầu văn). Điển hình là hát văn dòng nhạc mang những câu dân ca, ca dao được đưa vào để ca ngợi các vị Thánh. Chầu Văn lại là một từ Nôm, có nghĩa là mọi người tụ tập, cùng một lòng thành kính biểu lộ sự ngưỡng mộ của mình trước các vị Thánh thiêng liêng mà công đức được thể hiện trong nội dung các bài Văn. Tuy nhiên, có một số nghệ sĩ cho rằng đưa tín ngưỡng Tam, Tứ phủ lên sân khấu làm mất đi giá trị linh thiêng của tín ngưỡng.

Hình ảnh NSƯT Xuân Hinh đưa hầu đồng lên sân khấu. Ảnh VnExpress 

Nghệ sĩ gạo cội Xuân Hình đã bày tỏ suy nghĩ: "Trên sân khấu hầu đồng những giá Mẫu, giá Chầu, giá Cô là những người mẹ huyền thoại đã được lịch sử hoá và sân khấu hoá, hoá thân thành những vị Thánh Mẫu danh tiếng có công lao xây dựng quê hương, đất nước. Cho nên tôi phải diễn xướng hầu đồng để lưu truyền cho thế hệ trẻ biết được vốn quý của dân tộc."

Với Xuân Hinh sân khấu luôn được thực hiện một cách trang nghiêm, cái tâm sáng, nghiêm túc của người nghệ sĩ. Đặc biệt, với Xuân Hinh hầu đồng là tín ngưỡng, là nền văn hoá với các hình tượng cao đẹp trong lịch sử mà cần thế hệ trẻ biết đến. Thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy các giá trị cao đẹp của văn hoá.

Có lẽ thế hệ trẻ ngày nay đã lắng nghe được tiếng lòng của thế hệ đi trước. Các bạn trẻ đang có những bước tiến đột phá trong tiếp nối và phát huy tín ngưỡng, văn hoá dân tộc nói chung và tín ngưỡng, văn hoá Tam, Tứ phủ nói riêng. Đặc biệt là lớp nghệ sĩ trẻ, các bạn đã đóng góp rất nhiều trong việc khơi dậy, lan toả hình ảnh cao đẹp của các vị anh hùng trong tín ngưỡng Tam, Tứ phủ tới công chúng. Bên cạnh nghệ sĩ, các bạn học sinh đang trong độ tuổi áo trắng đến trường cũng chứng minh tinh thần sáng tạo, quan tâm tới lịch sử, tín ngưỡng, văn hoá mang đậm hơi thở dân gian. Từ đó, thế hệ trẻ đang dần tô đậm thêm bức tranh không gian về tín ngưỡng, văn hoá Việt Nam rực rỡ.

Giới trẻ tiếp nối và phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ tại Việt Nam ngày nay

Theo luật thanh niên năm 2005, cụ thể Điều 1 thuộc Chương 1 của Luật quy định “Thanh thiếu niên từ độ tuổi 16 đến 30”. Tuy nhiên ở bài viết này, người viết vận dụng linh hoạt về độ tuổi dưới 15 tuổi một chút và trên 30 tuổi một chút để nói chung về giới trẻ. Có thể nói thế hệ trước đó là thế hệ tiếp nối tín ngưỡng Tứ phủ. Thế hệ hiện nay là thế hệ phát huy và các bạn trẻ đang đưa tín ngưỡng Tứ phủ của Việt Nam phát triển rực rỡ. Điển hình những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ trẻ như ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh, Nhà thiết kế Vân Anh Đỗ và các bạn học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Poster quảng cáo MV “Tứ Phủ”- Hoàng Thuỳ Linh năm 2019. Ảnh Báo Thanh niên 

Ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh được coi là lá cờ tiên phong trong ca sĩ nhạc trẻ có sản phẩm hoà âm phối khí đưa tín ngưỡng Tứ phủ đến gần khán giả trẻ. Sản phẩm ca nhạc mang tên “Tứ phủ” của cô ra đời năm 2019 và cho đến nay đạt hơn 13 triệu lượt xem, có tác động lớn đến với công chúng. Qua MV của nữ ca sĩ, giới trẻ được biết đến nhiều hơn với Tứ Phủ- Đạo Mẫu qua những câu hát “Nơi đây đại ngàn em chờ…em khóc cúi mặt Cựu Trùng Thiên…”. Hoàng Thuỳ Linh gửi gắm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chung thuỷ đợi chờ chàng trai mà mình thương. 

Hoàng Thuỳ Linh hóa trang thành cô Ba Thoải (Hàng cô có 12 Cô, gọi là Thập nhị Thánh cô) được truyền thần tích là con gái Vua Thuỷ Tề. Cô giáng trần vào thời Lê Trung giúp Vua Lê Lợi trong những ngày đầu khởi nghĩa chống quân Minh. Ảnh Báo giao thông 

Nhạc sĩ Minh Châu nhận định: "Sự đan xen giữa xưa và nay trong một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Những thế hệ đi trước lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn".

Nhà thiết kế Vân Anh bên cạnh sản phẩm Búp hoạ của mình. Ảnh Báo thanh niên 

Bên cạnh đó, Nhà thiết kế Vân Anh Đỗ - gương mặt tiêu biểu trong truyền tải tín ngưỡng Tứ phủ vào thời trang. Cô nàng sinh năm 1991 hiện 32 tuổi và sinh sống tại Hà Nội. Nhà thiết kế trẻ đã đưa Đạo Mẫu qua trang phục mặc trên Búp hoạ thể hiện sự biết ơn những vị anh hùng đã có công với đất nước và tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam. Bộ sưu tập được thiết kế chính xác với các hình dáng, hoạ tiết trên trang phục của 16 giá đồng ở đời thực. Mỗi giá đều được thiết kế trang phục tỉ mỉ, khác biệt, thể hiện đặc trưng của từng vị thánh trong Đạo mẫu. Ngoài ra trang phục còn tôn lên nét đẹp văn hoá của người Việt có trong các loại hình nghệ thuật của đạo mẫu như diễn xướng, ca nhạc, âm từ…

Búp hoạ trong Bộ sưu tập Búp hoạ của nhà thiết kế Vân Anh. Ảnh báo Thể thao & Văn hoá 

Vân Anh- Nhà thiết kế trẻ cho biết cô lấy nguồn cảm hứng từ búp bê mặc trang phục kimono, hanbok ở sân bay Nhật Bản và Hàn Quốc . Từ đó, cô muốn đưa tín ngưỡng, nghệ thuật, nền văn hoá lâu đời rực rỡ của Việt Nam phát triển không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Chính vậy búp hoạ là một trong số những sản phẩm mà nhà thiết kế trẻ muốn mang đến thị trường thời trang, hay tại sân bay Việt Nam.  Bộ sưu tập trang phục Búp hoạ của cô được rất nhiều bạn trẻ đón nhận, xóa tan suy nghĩ ma mị, mê tín dị đoan, đưa giới trẻ đến gần hơn với tín ngưỡng thờ mẫu tốt đẹp. 

Phong bao lì xì nằm trong bộ “Tứ bất tử” của nhóm học sinh năng khiếu trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh từ nhóm học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Trong học đường, giới trẻ cũng đã phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ qua những cuộc thi vào dịp lễ hội truyền thống. Đại diện là nhóm học sinh năng khiếu trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, các bạn đã đưa hình ảnh công chúa Liễu Hạnh- Thánh Mẫu Liễu Hạnh (trong đạo Mẫu) vào phong bao lì xì. Công chúa Liễu Hạnh được biết là một trong ba vị Tam toà Thánh mẫu, với sự tích 3 lần giáng trần giúp đỡ dân chúng. Hiện nay đền thờ công chúa Liễu Hạnh được đặt khắp mọi miền Tổ quốc nhưng nổi tiếng nhất là 3 địa điểm: Quảng Bình, Phủ Tây Hồ- Hà Nội, Đền phủ Dầy- Nam Định.

Sản phẩm phong bao lì xì không chỉ thể hiện tính sáng tạo của các bạn trẻ mà còn thể hiện tinh thần quan tâm, gìn giữ và phát huy các tín ngưỡng, văn hoá của dân tộc. Phong bao lì xì mang đậm hơi thở dân gian Việt Nam qua những hoạ tiết và hình ảnh nhân vật công chúa Liễu Hạnh. Nhóm bạn trẻ sau đó đã tạo được  làn sóng mới thu hút nhiều bạn học sinh trong và ngoài trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quan tâm tới tín ngưỡng Tam, Tứ phủ. Hoạt động sáng tạo của nhóm học sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho thấy sự quyết tâm, tự tin “Dám nghĩ dám làm” của nhóm học sinh. Bên cạnh đó chúng ta có thể thấy một hệ thống nhận thức về văn hoá dân gian nói chung và tín ngưỡng dân gian nói riêng đang được thế hệ trẻ giữ gìn, tiếp nối và phát huy.

 Giá trị tích cực của giới trẻ đem lại trong tiếp nối và phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ tại dòng chảy đương thời.

Dòng chảy đương thời của các quốc gia trên thế giới ngày nay đang tồn tại rất nhiều tín ngưỡng và văn hoá. Có thể nói thời đại công nghệ số, mở cửa hội nhập đã đưa nhiều tín ngưỡng, văn hoá tràn vào các quốc gia. Các yếu tố đó sinh sống và phát triển, hiện tượng này được gọi tên là Melting Pot- Lẩu văn hoá. Một trong số những nhân tố đưa các văn hoá mới vào đất nước có thể kể đến thế hệ trẻ. Giờ đây công nghệ số, internet đã giúp các bạn trẻ nhanh nhạy với thông tin, đón nhận được nhiều nền văn hoá mới mẻ và cứ thế nhiều yếu tố ngoại lai được du nhập và tồn tại vào từng quốc gia. Việc thế hệ trẻ đón nhận các nền văn hoá mới trên thế giới có những điểm sáng như đưa quốc gia tiến bộ, đi lên, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên nó cũng mang đến nhiều đe doạ về nền văn hoá ngoại lai độc hại, không đúng thuần phong mỹ tục của quốc gia, và là kẽ hở cho nhiều âm mưu đồng hoá dân tộc của các thế lực thù địch, các quốc gia lớn mưu đồ xâm chiếm.

Tại Việt Nam dòng chảy đương thời cũng có nhiều biến động bởi tác động của công nghệ số, mở cửa hội nhập, yếu tố ngoại lai xuất hiện và nhiều nét văn hoá dần được đổi mới. Tuy nhiên tại Việt Nam các tín ngưỡng, văn hoá vẫn đang được giữ gìn, bảo vệ và công nghệ số, mở cửa hội nhập đang giúp giới trẻ tiếp nối, phục hưng, phát huy các tín ngưỡng, văn hoá của dân tộc. Điển hình là thế hệ trẻ như ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh, nhà thiết kế Đỗ Vân Anh, nhóm học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp nối và phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ. Theo góc nhìn của người viết thì tín ngưỡng, văn hoá của dân tộc hoàn toàn thu hút giới trẻ. Và trong dòng chảy đương thời ngày nay, giới trẻ đang hết sức quan tâm, cống hiến sức trẻ của mình để tiếp nối, phát huy tín ngưỡng, văn hoá dân tộc không chỉ phát triển rực rỡ trong nước mà còn lan rộng ra thế giới. Có lẽ, giới trẻ nhận thức được sâu sắc trách nhiệm và vai trò của mình trong việc tiếp nối và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống, tín ngưỡng, văn hoá của dân tộc Việt. Điều này có thể khẳng định, Đảng và nhà nước ta đã và đang làm rất tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các thế hệ, công dân giữ gìn và phát huy nền văn hoá rực rỡ của nước nhà. 

 Hình ảnh thí sinh Ngọc Hà tại cuộc thi “Tài sắc nữ sinh Báo chí”- Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nữ sinh viên đã nghệ thuật hoá sân khấu đưa tiết mục “Cô đôi Thượng Ngàn” tới mọi khán giả đặc biệt là khán giả trẻ. Ảnh Pressbeauty 

Giá trị tích cực của giới trẻ Việt Nam đem lại cho tín ngưỡng, văn hoá nói chung và tín ngưỡng Tam, Tứ phủ nói riêng trong dòng chảy đương thời là vô cùng lớn. Nó cho thấy thế hệ tiếp nối xây dựng Tổ quốc đang làm rất tốt trong việc bảo vệ, xây dựng và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ làm tốt công tác phát huy các truyền thống, giá trị tốt đẹp trong Đạo Mẫu còn giúp xây dựng vững mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Tiêu biểu Đạo Mẫu có hình ảnh mẹ Âu Cơ (Mẫu Thượng Ngàn) gắn liền với sự tích “Bọc trăm trứng” muốn nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam đều là anh em chung một nhà, chung một nguồn cội, Tổ tiên, phải yêu thương và bảo vệ lẫn nhau. Đạo Mẫu còn thể hiện các truyền thống tốt đẹp như “Uống nước nhớ nguồn”, hiếu thảo với cha mẹ…Thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ không chỉ tô đậm thêm truyền thống quý báu của dân tộc mà còn khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc lâu đời. Việt Nam tồn tại với các tín ngưỡng, văn hoá sâu sắc, rực rỡ mà không quốc gia nào có thể mưu đồ đồng hoá văn hoá, con người Việt Nam.

Ngày nay các bạn trẻ thể hiện rõ ý chí “Dám nghĩ dám làm” trong từng sản phẩm sáng tạo về các đề tài tín ngưỡng, văn hoá mang đậm hơi thở dân gian trong dòng chảy đương thời. Hành động của thế hệ trẻ như một ngọn đuốc rực cháy thể hiện sức nóng của tuổi trẻ trong việc bảo vệ, tiếp nối và phát huy tín ngưỡng, văn hoá dân gian nói chung và tín ngưỡng, văn hoá thờ Đạo Mẫu nói riêng. Ngọn đuốc đỏ của thế hệ trẻ như biểu tượng cho niềm tự hào về nền văn hoá lâu đời, niềm tự hào về truyền thống yêu nước của dòng máu Lạc Hồng.

Nói không “Buôn thần bán thánh” xây dựng tín ngưỡng, văn hoá Tam, Tứ phủ ở tương lai

Hiện nay, giới trẻ đang dần vẽ lên bức tranh rực rỡ, tươi đẹp về Đạo mẫu, đưa Đạo mẫu có nhiều giá trị tích cực phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân theo đúng nghĩa ban đầu của đạo. Theo góc nhìn của người viết, giới trẻ nói riêng hay chính tất cả chúng ta nói chung cần có biện pháp bảo vệ, tiếp nối và phát huy đạo mẫu một cách đúng nghĩa. Chúng ta cần ghi nhận các giá trị cao đẹp của đạo mẫu trong răn dạy đạo đức con người như “Uống nước nhớ nguồn”, “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, hay sống hiếu thảo với cha mẹ, anh chị em…. Một xã hội văn minh là khi các mắt xích trong xã hội đó có hành xử chuẩn mực đạo đức. Mỗi công dân đều đặt chữ đức lên trên thì xã hội yên bình, quốc gia phát triển.

Tuy nhiên hiện nay, có nhiều người lợi dụng tín ngưỡng Tam, Tứ phủ để thực hiện các hành vi  chuộc lợi cá nhân như mê tín dị đoan, tiêu tốn vàng mã, ném tiền (tán lộc) hàng triệu cho đến trăm triệu đồng. Đối với người viết thì hành động này thực sự cần lên án. Năm 2016, tín ngưỡng Tam, Tứ phủ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới do tín ngưỡng mang nhiều giá trị cao đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo trước các âm mưu, hành động của các tác nhân nhằm chuộc lợi, lợi dụng lòng tin, tâm linh “Buôn thần bán thánh” để lừa đảo, làm giàu cho ví tiền của cá nhân.

Thế hệ trẻ hay mỗi chúng ta cũng cần lên án, cảnh tỉnh trước những hành động lợi dụng tín ngưỡng, văn hoá để thực hiện mưu đồ xấu, hay chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Theo quan điểm của người viết, mỗi chúng ta hãy chung tay cùng thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy tín ngưỡng Tam, Tứ phủ nói riêng và bức tranh tín ngưỡng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung ngày càng trở nên rực rỡ.  

“Đạo Mẫu là một tín ngưỡng tốt đẹp của Việt Nam. Đạo Mẫu giáo dục con người về đạo đức và hướng con người đến “Chân, thiện, mỹ”. Chính vậy, là một sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, tôi thấy việc tiếp nối và phát huy Đạo Mẫu là trách nhiệm của thế hệ trẻ nước nhà. Vì gìn giữ tín ngưỡng, văn hoá Việt theo tôi là đang gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước. Thế hệ trẻ nếu không làm được điều đó thì nhiều tín ngưỡng, truyền thống, văn hóa riêng của Đất Việt sẽ mất đi ở thì tương lai, đặc biệt là Đạo Mẫu. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng Đạo Mẫu, hay tín ngưỡng Tam, Tứ phủ nói riêng và tín ngưỡng, văn hoá Việt Nam nói chung sẽ được giới trẻ tiếp nối và phát huy mạnh mẽ. Tôi tin giới trẻ chúng mình luôn được tín ngưỡng, văn hoá cuốn hút bởi các loại hình nghệ thuật và các bài học giáo dục tốt đẹp, giá trị cao của dân tộc.” Nguyễn Hồng Ngọc- sinh viên Trường Đại học Phenikaa chia sẻ.

 

Chang Trang, Như Quỳnh

Phản hồi