Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

NEWS \

Cô gái vẽ màu sắc mới cho guốc mộc truyền thống

14:23 09-12-2023
Hiện nay, những đôi giày cao gót lộng lẫy, những đôi giày thể thao gọn nhẹ được nhiều người ưa chuộng. Nhưng nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng vẫn dành niềm đam mê đặc biệt với nét văn hóa truyền thống mang tên guốc mộc.

“...Guốc mộc xứng đáng được sống, được giữ gìn như áo dài”

Cùng với áo dài, nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt, cái đẹp của sự dịu dàng, duyên dáng, nét duyên thầm không chỉ đọng lại trong ánh mắt mà cả ở sự cảm nhận. Theo thời gian, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thời trang, những mẫu mã giày dép mới ra đời, guốc mộc dần được ít người biết đến và tưởng chừng sẽ ngày càng mai một đi. Nhưng với nỗ lực của một cô gái nhỏ, tiếng guốc gỗ đã lại vang lên sống động trên những phiến đá vỉa hè và mang lại một sắc màu mới cho giá trị xưa cũ.

Bén duyên với guốc mộc trong một lần tình cờ được khách hàng giới thiệu, nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng (Tây Hồ, Hà Nội) đã cùng với các cộng sự bắt đầu hành trình “tái sinh” guốc mộc truyền thống.“Guốc mộc là một sự sáng tạo của ông cha ta, một nét văn hóa rất thuần Việt, cho nên mình rất quý trọng. Mình nghĩ guốc mộc xứng đáng được sống, được giữ gìn như áo dài”, chị Lily Hoàng tâm sự.   

  Nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng bên guốc mộc (Ảnh: Thuần) 

Nằm trong dự án “AmReborn - Tôi tái sinh”, bên cạnh những món đồ tái chế khác như: quần áo, túi xách, phụ kiện,... guốc mộc là một góc nhỏ ký ức mà chị Lily muốn gửi gắm đến thế hệ tương lai. Chia sẻ với phóng viên, chị Lily cho biết: “Khi mình trải qua một giai đoạn sống thì tự nhiên mình có mong muốn quay về nguồn. AmReborn là niềm khao khát cống hiến của mình đối với gia đình và xã hội. Và hành trình đến với guốc mộc là một sự trưởng thành nội tâm, một sự lớn lên trong tâm hồn mình”. 

 Không gian ấm áp với những món đồ đậm chất truyền thống của AmReborn. (Ảnh: Thuần)

Hành trình “tái sinh” guốc mộc truyền thống 

Dẫu từ nhỏ không được tiếp xúc nhiều với guốc mộc, ấn tượng về guốc mộc đối với chị Lily Hoàng chỉ dừng lại ở những hình ảnh xuất hiện trên truyền hình, những câu ca của văn chương nghệ thuật. Nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, chị Lily đã đến làng Yên Xá tìm hiểu với mong muốn vẽ màu sắc mới cho những đôi guốc truyền thống. Chia sẻ về ý nghĩa “tái sinh” guốc mộc, nhà thiết kế trẻ tâm sự: “Ở AmReborn, mặc dù guốc mộc chúng mình làm hoàn toàn bằng gỗ mới, quai mới nhưng mình nghĩ bản thân cái chữ guốc mộc nó đã mang hàm ý tái sinh rồi, vì guốc mộc có từ thời cha ông bây giờ được sống lại”. 

Những đôi guốc truyền thống qua đôi bàn tay khéo léo của chị Lily và các thành viên của AmReborn mang một hình hài mới, rực rỡ sắc màu. (Ảnh: Thuần) 

Để hoàn thiện một đôi guốc mộc có hai công đoạn chính là làm khuôn guốc (hay còn gọi là đế guốc) và chế tác quai guốc. Khuôn guốc có thể làm bằng bất kỳ loại gỗ nào nhưng thông thường sẽ được làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, gỗ hương. Ở công đoạn này, để làm nên những chiếc khuôn guốc với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, chị Lily Hoàng đã tìm đến sự giúp đỡ của nghệ nhân Trương Công Đức - người cuối cùng còn theo nghề làm guốc mộc ở làng Yên Xá. Guốc mộc truyền thống lúc di chuyển sẽ phát ra tiếng “lộc cộc” đặc trưng của gỗ, để hạn chế điều này và giữ cho guốc không bị trơn trượt, chị Lily đã lót thêm một lớp cao su cho đế guốc. 

 Những chiếc khuôn guốc mộc truyền thống được vẽ lên những họa tiết vô cùng bắt mắt. (Ảnh: Thuần)

Quai guốc sẽ do chính chị Lily Hoàng và các nhân viên của AmReborn làm thủ công hoàn toàn từ những vật liệu tái chế. “Ngày xưa, phần quai guốc rất đơn giản, chỉ là một cái quai ngang trơn, không có họa tiết với những màu sắc rất đơn điệu. Ở AmReborn, chúng mình sẽ làm mới guốc mộc bằng nhiều kiểu dáng, nhiều chất liệu và nhiều cách chế tác khác nhau như: thêu, vẽ hoặc đính kết họa tiết lên guốc”, chị Lily cho hay. 

 Quai guốc được tái chế từ những mảnh vải cũ với đủ màu sắc và hoa văn. (Ảnh: Thuần)

Với sự khéo léo kết hợp giữa truyền thống và những sáng tạo của nghệ thuật hiện đại, những đôi guốc mộc qua đôi bàn tay của nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng và các cộng sự được “tái sinh” với một diện mạo, một hình hài mới vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. 

Hiện nay, ở làng guốc mộc Yên Xá chỉ còn một nghệ nhân duy nhất theo nghề làm khuôn guốc là ông Trương Công Đức. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của chị Lily Hoàng, là sự thách thức đối với “nghề tái sinh guốc mộc” của AmReborn. Chia sẻ về dự định tương lai, chị Lily tâm sự: “Trong tương lai, mình có dự định sẽ học cách làm khuôn guốc và dành một góc nhỏ tại AmReborn chế tác khuôn guốc để khách hàng có thể theo dõi và trải nghiệm quá trình làm guốc mộc ngay tại cửa hàng”. 

Trong không gian ấm áp của AmReborn chất đầy hoài niệm về một thời xa xưa pha trộn với sắc màu hôm nay. Dường như, qua đôi bàn tay khéo léo cùng với tình yêu văn hóa truyền thống của nhà thiết kế trẻ Lily Hoàng, những đôi guốc mộc bước ra từ quá khứ, khoác lên mình phong cách hiện đại hơn để tiếp tục tồn tại cùng năm tháng.
 

Đậu Thị Thuần

Phản hồi