Danh mục Thứ Tư, 08/05/2024

NEWS \

Workshop “Ký ức Kim Hoàng”: Lan tỏa giá trị văn hóa của dòng tranh đã từng biến mất hơn 7 thập kỷ

23:19 26-11-2023
Chiều ngày 26/11, workshop in và vẽ tranh Kim Hoàng đầu tiên tại Việt Nam do dự án Magic Of Color (MOC) tổ chức tại Viện đào tạo Quốc tế UniDesign thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ.

Nằm trong chuỗi hoạt động của dự án Magic Of Color, “Ký ức Kim Hoàng” được tổ chức với mục đích giúp cho các bạn trẻ hiểu thêm về tranh Kim Hoàng - dòng tranh đã từng “hóa thạch” hơn 7 thập kỷ nay được hồi sinh.  

Workshop có sự tham dự của chị Nguyễn Thị Hữu - Người sáng lập dự án Magic Of Color; họa sĩ Nam Chi, các thành viên trong nhóm dự án và hơn 20 bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Chị Nguyễn Thị Hữu - Người sáng lập dự án Magic Of Color tại Workshop “Ký ức Kim Hoàng”. (Ảnh: Hà Trang) 

Tranh Kim Hoàng hay còn được gọi là tranh Đỏ vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng của đất Thăng Long từ thế kỷ 18, bên cạnh dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. 

Phần lớn tranh Kim Hoàng có màu nền chủ đạo là màu đỏ hoặc màu lòng đỏ trứng gà. Với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, kỹ thuật in màu thường sẽ bo viền và có quy định chung để đi màu còn tranh Kim Hoàng thì không cần thiết phải bo viền và có thể đi số màu tùy cảm xúc của người vẽ. 

Tranh Thần Kê được in ra từ mộc bản. (Ảnh: BTC) 

Mỗi bức tranh đều ẩn chứa những câu chuyện sâu sắc mà người Việt xưa gửi gắm trong những nét vẽ mộc mạc. Tranh Thần Kê có ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang đến an lành, cầu mong gia đình khỏe mạnh, con cái học hành tiến tới. Tranh lợn dân gian Kim Hoàng mang hàm ý cầu mong gia đình bình an, thuận lợi, gặp nhiều tài lộc. 

Để hoàn thiện một bức tranh Kim Hoàng, người nghệ nhân phải rất kỳ công, tỉ mỉ từ khâu nhuộm giấy dó cho đến khâu khắc họa tiết, in tranh từ khuôn lên giấy và đi màu. Kỹ thuật in tranh Kim Hoàng gồm có in úp và in ngửa, trong đó in úp đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và nhiều kỹ năng hơn. 

 Tranh Kim Hoàng thể hiện những chủ đề quen thuộc với nông thôn miền Bắc như tranh gà, tranh lợn, tranh ông Công ông Táo, tranh cuộc sống đồng quê… (Ảnh: Thuần)

Chia sẻ về đặc trưng của dòng tranh Kim Hoàng, họa sĩ Nam Chi cho biết: “Trên góc mỗi bức tranh Kim Hoàng thường có thơ đề và ấn bùa trừ tà, điều mà tranh Hàng Trống và tranh Đồng Hồ không có, nhờ vậy mà tranh Kim Hoàng phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của người dân, từ trang trí nhà cửa đầu năm mới, cầu phúc lộc may mắn đến trấn trạch, xua đuổi tà ma”.

Tại workshop, những người tham gia được tận tay in tranh theo phương thức truyền thống hàng trăm năm bằng ván in mộc bản. Các hình chủ yếu là hình con nghê, con lợn, con gà, hình đấu vật, hình tiên nữ,... và mọi người sẽ được lựa chọn in hình mình yêu thích. 

 Họa sĩ Nam Chi hướng dẫn mọi người in tranh Kim Hoàng tại workshop (Ảnh: Thuần)
 “Mỗi bức tranh Kim Hoàng đều là một tác phẩm mang màu sắc riêng, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ. (Ảnh: BTC)

Lần đầu tiên được tham gia trải nghiệm in và vẽ tranh Kim Hoàng, chị Lê Bảo Thương (23 tuổi) không giấu khỏi sự hào hứng: “Là một người yêu thích nghệ thuật và văn hóa truyền thống, mình thật sự ấn tượng với dòng tranh Kim Hoàng, bởi màu sắc chủ đạo tươi sáng, các họa tiết gần gũi với cuộc sống của con người Việt Nam. Mình chắc chắn sẽ giới thiệu thêm người thân và bạn bè đến trải nghiệm”.  

 Người tham gia “đi màu”, tự do sáng tạo bức tranh của riêng mình. (Ảnh: Hà Trang)

Workshop “Ký ức Kim Hoàng” đã góp một phần trong việc tô thắm lại sắc đỏ của dòng tranh tưởng chừng đã thất truyền hơn 7 thập kỷ. Anh Đỗ Hào Quảng - trưởng dự án Magic Of Color chia sẻ những dự định tương lai của dự án: “Sự hồi sinh của tranh Kim Hoàng là sự sống dậy và tiếp nối nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ mà thế hệ cha ông để lại. Trong tương lai, Magic of Color sẽ tiếp tục giá trị cốt lõi là đem đến cho giới trẻ những cảm nhận về giá trị văn hóa dân gian một cách sống động và sáng tạo nhất có thể”. 
 

Thuần - Hà Trang

Phản hồi