Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

NEWS \

Rươi Tứ Kỳ - được mùa nhưng không mất giá

12:54 22-11-2023
Rươi là một trong những loại thủy sản đem lại nguồn thu nhập rất cao cho bà con huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương. Giá cả thị trường rươi vụ năm nay đã cho những tín hiệu vô cùng tích cực, bà con nông dân phấn khởi thu hoạch mùa màng bội thu.

Nuôi rươi - mô hình đem lại thu nhập cao cho người nông dân

Rươi là loại sản vật rất nổi tiếng được nuôi ở một số vùng của Đồng bằng Bắc Bộ. Nghề nuôi rươi khá ít rủi ro, đầu tư thấp. Thức ăn để nuôi rươi chủ yếu sử dụng mùn bã hữu cơ. Quá trình nuôi rươi không được sử dụng thuốc hay hóa chất, bởi rươi là loại ưa sạch, không sống được trong môi trường bị ô nhiễm.

Mô hình chăn nuôi này không phức tạp nhưng đem lại được giá trị kinh tế rất lớn cho người dân địa phương. Giá rươi dao động từ 250 - 500 nghìn đồng/kg, có những lúc rươi khan hiếm, giá có thể lên đến 800 nghìn đồng/kg. Thấy được hiệu quả kinh tế đem lại, hiện nay ngày càng nhiều hộ nông dân đã lựa chọn thực hiện mô hình này.

Bãi nuôi rươi thuộc xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. (Ảnh: Thu Uyên) 

Nông dân “thở phào” khi giá cả vẫn ở mức ổn định

Hiện nay toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 524,31 ha diện tích nuôi rươi, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Tứ Kỳ. Xã An Thanh là một trong những xã có số hộ dân nuôi rươi lớn nhất trong huyện, chất lượng rươi ở đây cũng được đánh giá rất cao. 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh: “Xã An Thanh hiện nay có khoảng 214 ha được quy hoạch làm ruộng nuôi rươi, nhiều nhất là tại thôn An Nghĩa. UBND xã cũng liên tục sát sao, chỉ đạo, có những chính sách khuyến khích người dân phát triển và nhân rộng hơn nữa mô hình đem lại nhiều giá trị kinh tế này”.

Ruộng rươi chuẩn bị thu hoạch của một hộ gia đình tại xã An Thanh. (Ảnh: Thu Uyên) 

Theo báo cáo, sản lượng rươi năm nay tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, vậy nên nhiều hộ gia đình cũng không khỏi lo lắng về vấn đề giá cả bán ra liệu có bị thấp. Tuy nhiên theo khảo sát, giá cả vụ rươi năm nay không quá cao cũng không quá thấp, nhìn chung là ổn định và an toàn ở mức 300 - 400 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Văn Đồng – chủ hộ nuôi rươi tại xã An Thanh chia sẻ: “Một năm có 2 vụ rươi, mỗi vụ khoảng 2 tháng, thế nhưng sản lượng thu được năm nay khá lớn, ước tính có thể lên đến khoảng 1,3 đến 1,4 tấn rươi. Về giá rươi năm nay thì không quá biến động, khá ổn so với sản lượng thu hoạch được. Không chênh lệch nhiều so với những năm trước. Bà con cũng phần nào yên tâm tiếp tục nuôi trồng”.

Sản lượng rươi lớn, giá cả ổn định là tin mừng đối với các thương lái chờ mua rươi. (Ảnh: Thu Uyên) 

 Rươi là loại thủy sản đặc hữu, tuỳ thuộc vào địa hình, môi trường của từng khu vực chúng mới xuất hiện. Không phải hộ nào đào ruộng, tháo nước cũng có rươi để thu hoạch. Bên cạnh đó, hiện nay rất ít vùng có thể triển khai được mô hình nuôi rươi, nên số lượng thu hoạch được mỗi mùa đều có đầu ra đảm bảo, không bị tồn đọng. Các hộ dân mỗi vụ rươi thu hoạch đều có lãi, năm giá thấp thì lãi ít, năm được giá thì mỗi hecta có thể thu được lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Theo báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, giá trị sản xuất đạt rươi, cáy ở địa phương đạt từ 380 - 400 triệu/ha/năm. Với những người làm nông nghiệp, việc lo lắng về đầu ra, giá cả mỗi vụ mùa đến là điều luôn thường trực. Tuy nhiên, những tín hiệu tốt của vụ mùa rươi năm nay đã giúp người dân phần nào yên tâm và tiếp tục thu hoạch công sức, mồ hôi của mình.

Rươi sau khi được thu hoạch. (Ảnh: Thu Uyên) 

Tương lai của rươi đối với vấn đề “được mùa mất giá”

Đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã cho triển khai mô hình “Nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” ở huyện Tứ Kỳ. Mô hình này giúp các các hộ nuôi rươi tận dụng được quỹ đất nông nhàn, có thêm hình thức canh tác, tăng thêm thu nhập. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương trực tiếp xuống chỉ đạo triển khai mô hình dự án. (Ảnh: Thu Uyên) 

Các hộ nông dân sẽ không chỉ phụ thuộc vào thu nhập của vụ rươi mà có thể có thu nhập thêm từ những vụ lúa. Bên cạnh đó việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong canh tác mô hình này sẽ giúp chất lượng rươi tốt hơn, với cam kết đảm bảo đầu ra cho rươi, mô hình sẽ giúp sẽ hạn chế được việc bị thương lái ép giá, từ đó cuộc sống người dân sẽ ổn định hơn.

UBND huyện Tứ Kỳ cùng UBND xã An Thanh cũng đã phối hợp, tuyên truyền các chính sách nông nghiệp đến người dân, hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất, cống thoát nước, nguồn giống,... để người dân yên tâm tiếp tục với hình thức nuôi trồng này. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng quán triệt đến địa phương phải tiếp tục duy trì sản xuất tốt trên diện tích bảo tồn và khai thác rươi hiện có, cải tạo các diện tích có tiềm năng. 

Theo Báo cáo hiện trạng Tình hình sản xuất nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đầu tháng 11/2023, diện tích bảo tồn và khai thác thủy đặc sản rư­ơi cáy trên địa bàn huyện được mở rộng, hiện có 6 vùng với diện tích 524,31ha (tăng 156ha so với năm 2022) trong đó: ở các xã An Thanh 303,5 ha; Chí Minh 115,15 ha; Quang Trung 37,6 ha; Nguyên Giáp 34,9 ha; Bình Lãng 22,7 ha; Cộng Lạc 7,96ha; Hà Thanh 2,5ha. Sản lượng ước đạt 320 tấn rươi, 130 tấn cáy. Giá trị sản xuất đạt từ 380-400 triệu/ha/năm.
Đỗ Thị Thu Uyên - Báo in K41

Phản hồi