Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

NEWS \

Người chuyển giới vẫn cần chính thức và hợp pháp hoá quyền lợi

22:20 22-06-2023
Những người trong cộng đồng LGBT trong thực tế đã phải sống trong một cuộc sống không hề dễ dàng do chịu nhiều định kiến xã hội. Nhiều người chuyển giới phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe… do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ họ.

Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3% thì Việt Nam ước đoán có khoảng gần 300.000 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người), lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới, song con số thực tế cao hơn rất nhiều bởi đa số giấu kín, chưa công khai. Họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Người chuyển giới phải đối mặt với sự kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử trên nhiều bình diện như dịch vụ y tế, xin việc làm và thủ tục hành chính.

Ảnh minh hoạ 

Cuộc sống không dễ dàng của người chuyển giới

Kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường iSee) trên 2.363 người LGBT tại 63 tỉnh thành Việt Nam cho thấy, gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%).

Sự phát triển của phong trào quyền cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới trong những năm gần đây đã giúp cải thiện đáng kể sự hiện diện và tiếng nói của các nhóm người chuyển giới trong xã hội. Tuy nhiên, các rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý tại Việt Nam đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Hầu hết người chuyển giới gặp phải rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm cũng như sự phân biệt, kỳ thị tại nơi làm việc.

Qua tâm sự, nghiên cứu thực tế, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có sự khác biệt về vấn đề việc làm của người chuyển giới. Hơn 30% tham gia cho biết đã từng nghỉ việc do là người chuyển giới. Hơn một nửa số này đã từng phải nghỉ việc từ hai lần trở lên. Gần 50% người chuyển giới có thu nhập chính từ một công việc hoàn toàn bán thời gian, 21% có tích lũy, 28% đủ chi tiêu, 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập.

Chia sẻ về hành trình chuyển giới của mình, bạn Phạm Gia Linh là một người chuyển giới nữ (hiện đang làm tại phòng khám hỗ trợ sức khỏe cộng đồng The Times) cho biết, ngoài những vấn đề về y tế, xã hội… thì người chuyển giới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. “Trước đây, mình từng làm những vị trí như thu ngân, phục vụ bàn nhưng từng bị tỏ thái độ khó chịu nhiều lần, dẫn đến phải từ bỏ công việc đó”.

“Cuộc sống của những người chuyển giới công khai có công việc ổn định cũng vất vả tương tự. Họ luôn phải chịu nhiều áp lực và có thể thiệt thòi hơn đồng nghiệp không phải chuyển giới có cùng năng lực. Số người chuyển giới làm việc ở các lĩnh vực tự do và phi chính thức như cửa hàng ăn uống, quán cà phê, bar…nhiều hơn số người làm ở các công ty, văn phòng chính thống. Những người chuyển giới gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng do chứng minh thư nhân dân hay tên không phù hợp với ngoại hình. Áp lực đối với việc tuyển dụng người chuyển giới có thể đến từ khách hàng, hay các đối tác của cơ quan tuyển dụng” - Anh Đặng Nguyễn Ngọc Anh, người chuyển giới nam chia sẻ.

Những bất cập ở nơi có quy định về đồng phục theo giới tính hầu hết người chuyển giới cho biết họ không thoải mái. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định về thời gian làm việc do các vấn đề liên quan tới chuyển giới như trang điểm, dùng thuốc, tập luyện hay gặp khó khăn với nhà vệ sinh quy định giới tính ở nơi làm việc.

“Là người đồng tính, em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhất là vấn đề việc làm. Sau khi tốt nghiệp đại học, em đã đi phỏng vấn rất nhiều lần nhưng kết quả đều trượt. Em luôn tự tin về trình độ học vấn cũng như năng lực của mình so với những người trúng tuyển nhưng dường như các nhà tuyển dụng cố tình tìm ra một lý do nào đó để loại bỏ em” – Tú Anh, một thanh niên chuyển giới từ nữ thành nam tâm sự.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy người chuyển giới có những nhu cầu cần được đáp ứng, quan trọng nhất là y tế và pháp lý. Anh Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết: “Khi người chuyển giới không được sống đúng với giới tính thì họ sẽ gặp rất nhiều cản trở và khó khăn. Vì sự không trùng khớp giữa ngoại hình và giấy tờ khiến họ không những gặp khó khăn trong công việc mà còn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế”. Y tế là nhu cầu thiết yếu của người chuyển giới trong việc tiêm hooc-môn, phẫu thuật chuyển giới hoặc khám tâm lý. Hiện nay ở Việt Nam không có nên người chuyển giới phải sang Thái Lan để làm dịch vụ này. 

Cần có hành lang pháp lý cho người chuyển giới

Hàng nghìn người chuyển giới vẫn gặp nhiều khó khăn với thủ tục đổi tên. Nhiều người chuyển giới phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ họ

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi cho người chuyển đổi giới tính.
(Nguồn Internet)

Theo chia sẻ của anh Lương Thế Huy, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE): “Khi một người không được sống giới tính đúng của họ, họ gặp rất nhiều khó khăn và cản trở, cụ thể là về mặt giấy tờ và pháp lý, chính vì vậy mà Luật Chuyển đổi Giới tính càng cần thiết với người chuyển giới".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - TS, Giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người hoạt động bình đẳng giới cho rằng: “Để giải quyết tình trạng định kiến giới, chúng ta cần chính thức hoá và thừa nhận, tạo nên một xã hội bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng khác biệt. Các giải pháp sẽ ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như các thể chế xã hội như các căn cứ về luật. Chẳng hạn như luật lao động nếu có những đề cập cụ thể hơn về việc chống phân biệt đối xử hỗ trợ cộng đồng LGBT có căn cứ đảm bảo quyền lợi của mình”.

Trên thế giới, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp. Còn tại Việt Nam, hiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang ở giai đoạn xây dựng Hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Ngày 2/6 vừa qua, Quốc hội đồng ý đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng, trình vào kỳ họp thứ 8 (10.2024). Đây là một bước tiến tích cực dành cho mỗi cá nhân, tổ chức hoạt động với người chuyển đổi giới tính và cả cộng đồng người LGBT. Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
 

Thơm Nguyễn

Phản hồi