Danh mục Thứ Tư, 08/05/2024

NEWS \

"Món ăn" bằng đất sét chân thực đến lạ kỳ

22:06 15-10-2023
Những món đồ thu nhỏ bằng đất sét của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh nhận được sự tò mò của người xem bởi sự chân thực, sống động như thật. Trong cuộc phỏng vấn, chị Quỳnh cho người đọc hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật Miniature Food (mô hình đồ ăn tí hon). Đây không chỉ đơn giản là một thú chơi giải trí mà đó là nghệ thuật, là thông điệp mà chị Như Quỳnh gửi đến mỗi người xem tác phẩm của mình.

 Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh tỉ mỉ thực hiện tác phẩm của mình. (Ảnh: NVCC)

Cơ duyên bất ngờ và khát vọng gìn giữ nét đẹp văn hóa

Phóng viên (PV): Được biết nghệ thuật Miniature Food xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng ở Việt Nam còn khá mới. Vậy cơ duyên nào để chị Như Quỳnh biết đến và say mê bộ môn nghệ thuật này?

- Quỳnh biết đến bộ môn này cũng rất tình cờ. Khoảng 10 năm trước, khi vô tình nhìn thấy những sản phẩm mô hình bằng đất sét tí hon trên một tờ báo, mình đã bị thu hút bởi sự nhỏ bé, tinh tế của các sản phẩm. Sau đó, mình đã lên mạng tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật Miniature Food và thấy môn nghệ thuật này khá phổ biến ở Nhật. Từ đó, mình bắt đầu tập làm quen và dần trở nên yêu thích bộ môn đặc biệt này.

PV: Bộ môn nghê thuật này là công việc chính của chị hay là đam mê riêng?

- Đây chỉ là đam mê cá nhân của mình thôi. Công việc chính của mình là kinh doanh một cửa hàng về thời trang. Mặc dù là đam mê riêng nhưng Quỳnh rất đầu tư, tâm huyết với môn nghệ thuật này.

PV: Theo quan sát, những tác phẩm của chị Quỳnh thường lấy cảm hứng từ nét đẹp dân gian, truyền thống của Việt Nam. Tại sao chị lại lựa chọn chủ đề đó?

- Bản thân Quỳnh vốn là người có thiên hướng hoài cổ. Hơn nữa, mình thấy những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam vô cùng phong phú. Từ những phong tục, tập quán từng vùng miền đến những món ăn đặc trưng riêng của nơi đó, tất cả tạo cho mình một nguồn cảm hứng sáng tác vô cùng mạnh mẽ. Khi tạo ra những mâm cỗ Tết cổ truyền hay Tết Trung thu hoặc những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân gian, mình mong muốn lưu truyền những bản sắc của dân tộc đến thế hệ sau này. Những nét đẹp văn hóa đang dần bị mai một và Quỳnh muốn thông qua các tác phẩm của mình để mọi người có thể nhớ về cội nguồn, nhớ về những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ mà ta vô tình quên lãng giữa cuộc sống bộn bề.   
 

 Tác phẩm "Mâm cỗ Tết Nguyên Đán" của chị Quỳnh. Nếu không đặt bàn tay vào, khó có thể nhận ra đây chỉ là mô hình. (Ảnh: NVCC)

PV: Tác phẩm gần đây của chị được rất nhiều người biết đến và quan tâm đó là “Mâm cỗ Trung thu”. Tác phẩm đó chị hoàn thành trong bao lâu?

- Quá trình làm “Mâm cỗ Trung thu” này mình không gặp quá nhiều khó khăn. Gần đây mình cũng sắp xếp được thời gian nên có thể tập trung vào sáng tạo tác phẩm. Trước đó, mình cũng đã có kinh nghiệm làm “Mâm cỗ Tết Nguyên Đán”, nên lần này các thao tác cũng nhanh hơn. Thời gian hoàn thiện tác phẩm này trong khoảng một tháng, vừa dịp đón Trung thu. Khi thực hiện tác phẩm này, trước hết Quỳnh muốn “nhóc tì” nhà mình hiểu hơn về  Trung thu, cho bé cảm nhận về Tết thiếu nhi truyền thống thông qua cách mới mẻ. Bên cạnh đó, Quỳnh cũng mong muốn mỗi người khi nhìn ngắm tác phẩm của mình sẽ nhớ đến mâm cỗ truyền thống nguyên bản của cha ông ta với ý nghĩa đoàn tụ, sum họp gia đình.
 

 Tác phẩm "Mâm cỗ Trung Thu" của chị Như Quỳnh. (Ảnh: NVCC)

PV: Các tác phẩm khác của chị cũng nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng mạng, vậy chị có nhận đơn đặt hàng nào từ khách hàng không?

- Cho đến hiện tại mình vẫn không có ý định sẽ kinh doanh các sản phẩm của mình. Mỗi tác phẩm mình sáng tạo đều là độc nhất, chứa đựng những ý nghĩa riêng trong đó. Các tác phẩm được trưng bày tại nhà và luôn hoan nghênh mọi người đến chiêm ngưỡng.

Có công mài sắt có ngày nên kim

PV: Một câu hỏi mà tôi và cũng như rất nhiều độc giả thắc mắc đó là môn nghệ thuật cần sự tỉ mẩn này chắc hẳn rất kỳ công và cần nhiều thời gian?

- Mô hình đồ ăn đất sét đòi hỏi người làm sự tỉ mỉ, kiên nhẫn để có thể mô tả được độ chính xác của sản phẩm. Vì là thu nhỏ nên là tất cả những chi tiết cần phải đạt hiệu quả sắc nét nhất thì mình mới có thể lột tả được sản phẩm giống thật nhất. Bước đầu là pha màu cho sản phẩm. Đây là công đoạn khá quan trọng bởi nó quyết định màu sắc có giống với các sản phẩm thực tế hay không. Sau đó là bước tạo hình và bước dặm màu lại cho tác phẩm. Mỗi bước trong quá trình đều đòi hỏi kỹ thuật riêng. Khi thực hiện, cần phải có cái nhìn quan sát thực tế nhất, tinh mắt nhất để lột tả được những màu sắc hay hình dạng các sản phẩm mình cần tạo ra.

 Từng hạt cơm, màu sắc, độ bóng trong tác phẩm của chị Quỳnh được thực hiện vô cùng công phu và chi tiết. (Ảnh: NVCC)

PV: Chị có thể chia sẻ thêm về cách để cân bằng được thời gian của bản thân? Làm sao để vừa đầu tư thời gian cho đam mê, vừa dành thời gian cho công việc chính và gia đình nhỏ của mình?

- Đây là câu hỏi cũng nhiều người thắc mắc và đặt ra với Quỳnh. Như đã chia sẻ ở trên, mình đang kinh doanh cửa hàng thời trang, thời gian khá thoải mái. Mình chủ động sắp xếp được công việc nên vừa có thể sống với đam mê lại, vừa đảm đương được công việc ở cửa hàng. Khi nào có cảm hứng sáng tạo Quỳnh sẽ tập trung nhiều thời gian hơn. Khi đó, mình dành ra 3-5 tiếng/ ngày để thực hiện tác phẩm. Cũng có thời gian Quỳnh phải tạm dừng đam mê này. Lúc đó công việc kinh doanh của mình khá bận và con của Quỳnh còn nhỏ nên không thể dành thời gian tiếp tục gắn bó với đất sét. Tuy nhiên, khi dịch Covid – 19 bùng phát cách đây 3 năm, khối lượng công việc của mình giảm đi, bạn nhỏ nhà mình cũng đã lớn hơn nên mình có nhiều thời gian rảnh hơn và mình quyết định quay trở lại với Miniature Food.

PV: Đúng là vừa theo đuổi đam mê với đất sét vừa có thể cân bằng thời gian cho cuộc sống thường nhật quả là điều không hề dễ dàng. Quay trở lại với những tác phẩm của chị Quỳnh, những tác phẩm có cần theo một tỉ lệ cố định không?

- Quỳnh đến với bộ môn này rất tình cờ và cũng không được học qua trường lớp nào cả. Chẳng hạn như mình muốn làm một cây bắp cải, mình sẽ mua bắp cải về và quan sát nó từ hình dáng đến kích thước, màu sắc. Mình sẽ căn theo cái tỷ lệ chuẩn mà mình cảm thấy hợp mắt, tức là mình làm không theo một tỉ lệ nhất định chắc chắn nào cả. Thường thì Quỳnh làm theo tỉ lệ 1/12 hoặc là 1/10. Tuy nhiên, các tỷ lệ sẽ xê dịch tùy theo các sản phẩm mà mình làm và mục đích, mong muốn của mình. 
Trong quá trình thực hiện các tác phẩm của mình, chị gặp phải những khó khăn nào?

Trước đây mình học chuyên ngành về văn hóa ở trường Đại học Văn hóa và không học qua mỹ thuật hay thiết kế. Vì thế, đất sét thực sự là một cái bộ môn khá mới mẻ với mình. Thời đó mô hình đồ ăn bằng đất sét chưa được phổ biến rộng rãi nên việc tìm mua nguyên liệu chuyên dụng rất khó. Quỳnh phải đặt mua ở những trang mạng nước ngoài hoặc nhờ những người bạn Việt Nam của mình ở nước ngoài mua giúp. Giá thành của nguyên liệu cũng khá cao. 

Mỗi sản phẩm lại cần nhiều nguyên liệu khác nhau nên để tìm được đủ đồ dùng thực hiện tác phẩm cũng mất nhiều thời gian tìm kiếm, chờ đợi. Có khi Quỳnh phải đợi đến hai tuần mới có thể bắt đầu thực hiện tác phẩm. Đôi khi vì phải chờ đợi lâu mà cảm hứng sáng tác và nhiệt huyết của mình cũng bị giảm đi không ít. Ngày đó ở Việt Nam không phổ biến bộ môn này, vì thế tìm hướng dẫn không hề dễ. Mình phải lên mạng tìm hiểu các hướng dẫn về dùng nguyên liệu và các thao tác cơ bản. Ngoài ra, mỗi lần có cơ hội đi ăn uống, mình cũng cần quan sát thật kỹ các đồ ăn khác nhau.

PV: Cuối cùng, chị có những lưu ý gì cho những người đang và sắp chơi môn nghệ thuật này?

- Như mình đã chia sẻ trước đấy, để tạo ra một sản phẩm và thể hiện được nét chân thực của sản phẩm đó, mình luôn phải nghiên cứu và tìm hiểu về sản phẩm thật kỹ. Trong lúc làm thì luôn cần có một vật mẫu, có thể là mẫu vật thật hoặc hình ảnh của nó, song song với việc tạo hình. Như vậy, mình sẽ thể hiện được tác phẩm theo tỷ lệ chuẩn và lột tả nó một cách chính xác nhất. Đối với Quỳnh, bất cứ nghề nào hay công việc nào cũng cần sự kiên trì. Nghệ thuật Miniature Food cũng vậy, chỉ cần các bạn kiên trì, sẵn sàng đầu tư công sức, tâm huyết vào đó thì đôi tay của bạn dần trở nên khéo léo hơn, các tác phẩm cũng ngày càng chân thực hơn. 

Cảm ơn chị đã tham gia trả lời phỏng vấn!
 

 

Đào Thị Ngọc Mai

Phản hồi