Danh mục Thứ Năm, 09/05/2024

Tiêu điểm \

Đưa lịch sử “chạm” vào người trẻ thông qua mạng xã hội

08:21 28-10-2023
Với sự phát triển của mạng xã hội, thế hệ trẻ ngày nay không chỉ còn học lịch sử qua sách vở truyền thống. Hình ảnh đất nước hàng thế kỷ giờ đây được người trẻ chủ động tìm hiểu và tiếp cận theo những phương thức mới. Giới trẻ hôm nay đang khơi gợi niềm yêu thích lịch sử cho thế hệ của chính mình và mai sau.

Nhìn “một thời vang bóng” thông qua mạng xã hội

Trước đây, lịch sử thường được tiếp cận ở những phương diện truyền thống như sách, báo hay những bài giảng của thầy cô. Tuy nhiên, một làn gió mới đã xuất hiện mang theo sự đổi mới trong cách tiếp cận lịch sử thông qua mạng xã hội.

Niềm tự hào dân tộc là động lực để thúc đẩy mọi người tìm hiểu lịch sử.
(Ảnh: Pinterest).

Sự phát triển của công nghệ số đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự đa dạng về cách tìm hiểu và đón nhận lịch sử. Ngoài việc người trẻ học hỏi từ những nguồn tài liệu chính thống như tài liệu, sách giáo khoa lịch sử. Thế hệ trẻ hôm nay có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn kiến thức đó thông qua mạng xã hội. 

Tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa”, PGS. TS Cao Văn Liên cho rằng: “Không phân biệt xưa và nay, người trẻ luôn dành sự quan tâm của mình đối với lịch sử. Ngày hôm nay, các bạn đã tận dụng ưu thế sự phát triển của công nghệ, cách riêng là mạng xã hội để thu nhận và truyền tải kiến thức lịch sử. Đó là tín hiệu đáng mừng. Từng sự kiện, câu chuyện, cuộc đời của thế hệ cha ông đi trước đều là bài học để chúng ta học tập và noi theo.”

Những nội dung, dự án về lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… là một cái “chạm” hiệu quả đối với người trẻ. Không còn tình trạng người trẻ tiếp xúc với lịch sử chỉ vì ép buộc. Các bạn trẻ ngày nay đến với bộ môn này trong tâm thế tự nguyện, chủ động. Khung cảnh đất nước không còn dừng lại trên những trang sách mà được tái hiện sinh động ngang qua những thước phim, hình ảnh, tranh vẽ do chính thế hệ trẻ thực hiện. 

Từ những bình luận trên trang “Việt sử kiêu hùng”, “Cổ vật tinh hoa” hay kênh Youtube “ Đuốc mồi”, có thể thấy rằng người trẻ không thờ ơ với lịch sử nước nhà. Ngược lại, họ rất quan tâm và thích tìm hiểu về cội nguồn dân tộc.

Những bình luận tích cực từ người theo dõi dưới các bài đăng.
(Ảnh chụp màn hình) 

Là người trẻ có niềm say mê lịch sử, Đỗ Thanh Tú (sinh viên năm 3, khoa Ngữ Văn, Đại học Giáo dục - ĐHQGHN) cho biết: “Bên cạnh những kiến thức lịch sử được tiếp thu cách “chính quy”, mình rất thích được tiếp cận lịch sử ngang qua những bộ phim, những bài chia sẻ trên Facebook và đặc biệt là âm nhạc”. 
Tú cho biết, MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hoà Minzy là tác phẩm bạn nhớ nhất. Không chỉ xoay quanh câu chuyện lịch sử về tình yêu của Nam Phương Hoàng Hậu và vua Bảo Đại, MV còn gây ấn tượng bởi những bộ cổ phục rất tinh tế và đẹp mắt.

Bên cạnh âm nhạc, trang phục là một điểm cộng rất lớn trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hoà Minzy. (Ảnh chụp màn hình) 

“Tình yêu và sự say mê là cách bền vững để lịch sử tồn tại”

Với sự sáng tạo và sức mạnh của công nghệ số hiện nay, các bạn trẻ đã và đang tạo nên một phương thức truyền tải lịch sử theo cách độc đáo với những người có niềm đam mê lịch sử.

Hoạ sĩ Phan Thanh Nam, chủ nhân Ấm Chè, thành viên của nhóm Đại Việt Cổ Phong, người khởi xướng nhiều dự án, triển lãm về lịch sử và văn hoá Việt Nam, chia sẻ: “Bằng các tác phẩm, tranh vẽ, những câu chuyện hay các loại hình khác là một trong những phương tiện được chọn tùy theo năng lực mỗi người để truyền tải lịch sử". 

“Điều quan trọng là cách chúng ta tiếp cận, chắt lọc và truyền bá lịch sử để có thể khuyến khích niềm hứng thú đối với các bạn trẻ” là thông điệp hoạ sĩ Phan Thanh Nam gửi tới mọi người. (Ảnh NVCC) 

Đã có những thời điểm lịch sử bị coi là khô khan, dài dòng và hàn lâm. Thay đổi cách truyền tải văn hoá lịch sử là việc làm cần thiết để khơi gợi và khuyến khích niềm yêu thích đối với các bạn trẻ. Mỗi thế hệ sẽ có những “văn hoá” khác nhau và “lịch sử” của riêng họ. Hãy tìm ra cách thức phù hợp với “văn hoá” của người trẻ để việc lan tỏa tình yêu văn hoa lịch sử có được hiệu quả, hoạ sĩ Phan Thanh Nam chia sẻ thêm.

Sau nhiều tranh cãi về việc thay đổi cách truyền đạt các kiến thức lịch sử, có thể nhận thấy sự thay đổi tích cực trong xu hướng truyền tải lịch sử của các nhà giáo dục cũng như những người trẻ yêu lịch sử. Cách mà kiến thức lịch sử được chia sẻ trên mạng xã hội là một minh chứng cho câu chuyện này.

 Dự án “Việt sử kiêu hùng” của nhóm “Đuốc mồi” là đại diện tiêu biểu cho sự phá cách khi truyền đi những kiến thức lịch sử thông qua những thước phim dã sử diễn họa animation. (Ảnh: Trích phim “Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành)

“Tuy nhiên cần lưu ý mạng xã hội là một phương tiện tốt nhưng cũng rất phức tạp. Các kiến thức lịch sử trên mạng phần lớn vẫn chưa thực sự sâu sắc và nhiều khi sai sự thật. Mỗi người cần biết chọn lọc thông tin để có được nguồn thông tin chính xác”, PGS.TS Cao Văn Liên chia sẻ.

Để nâng cao tinh thần học hiểu lịch sử, theo PGS.TS Cao Văn Liên: “Tình yêu và sự say mê là cách bền vững để lịch sử tồn tại”. Các bạn dùng mạng xã hội nhưng cũng đừng quên những cuốn sách lịch sử đã trường tồn theo thời gian. Đó là nguồn kiến thức chính xác nhất để các bạn tìm hiểu lịch sử. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nói đến vai trò của người thầy, của các nhà giáo dục trong việc truyền tải lịch sử. Một người thầy am hiểu về kiến thức và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy sẽ tạo cảm hứng cho học trò khám phá lịch sử.

Lịch sử hay văn hoá cổ truyền bản chất không nhàm chán. Người trẻ hôm nay đang tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để khơi gợi niềm yêu thích lịch sử cho thế hệ của chính mình và mai sau.

Trần Thị Minh Tiến

Phản hồi